Đức Trọng (Lâm Đồng): Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác cây cà phê
Mục tiêu của các mô hình là giúp đồng bào bản địa làm quen với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cà phê. Nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất cà phê. Đồng thời, tiến hành đào tạo, tập huấn, trang bị các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây cà phê cho đồng bào. Trước mắt là giúp đồng bào nắm vững về kỹ thuật trồng trọt để quen dần với kỹ thuật canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán lạc hậu trong canh tác. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào.
Hỗ trợ đồng bào chuyển đổi những diện tích cà phê kém hiệu quả bằng các dòng cà phê cao sản có năng suất và chất lượng cao |
Là địa phương có diện tích cà phê lớn đứng thứ 4 của tỉnh Lâm Đồng, những năm trước đây, diện tích cà phê của huyện Đức Trọng chủ yếu trồng bằng cây thực sinh từ nguồn giống địa phương nên cho sản lượng kém và không ổn định. Trước tình hình đó, huyện Đức Trọng đã áp dụng nhiều chính sách vận động, khuyến khích, hỗ trợ đồng bào chuyển đổi những diện tích cà phê kém hiệu quả bằng các dòng cà phê cao sản có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó, chương trình cải tạo giống cà phê bằng phương pháp ghép chồi đã đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Qua các mô hình thực tế cho thấy, giống cà phê ghép rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện nên Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng đã hướng dẫn và tư vấn cho bà con chuyển đổi diện tích già cỗi, năng suất thấp sang trồng các giống cà phê ghép. Đến nay, hầu hết diện tích cà phê được chuyển đổi đều phát triển theo hướng bền vững, cho năng suất cao, chất lượng hạt đồng đều, ít sâu bệnh. Đơn vị cũng phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhiều mô hình trình diễn để bà con tham quan, học tập kinh nghiệm như: Tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, hợp lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê…
Nhân rộng mô hình trồng cà phê ghép |
Để nâng cao hiệu quả của mô hình, các cán bộ kỹ thuật khuyến cáo các nông hộ cải tạo vườn cà phê bằng hai hình thức mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là: Đối với các vườn cây đã hết chu kỳ kinh doanh nhưng không bị các bệnh về rễ, gỉ sắt chỉ cần cưa đốn phục hồi, chọn chồi để ghép tạo chu kỳ kinh doanh lần 2. Để phát triển cà phê bền vững, cải tạo, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng đã liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên xây dựng các vườn giống cây cà phê ghép như TR4, TR5, TR6, TR9, TR10....
Đây là những giống cà phê cao sản chọn lọc có khả năng kháng bệnh cao, nhiều quả, cỡ hạt lớn, chín tập trung, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Phương pháp cưa đốn phục hồi, chọn chồi ghép bằng các dòng vô tính chọn lọc không những rút ngắn chu kỳ kiến thiết cơ bản mà còn cho năng suất khá cao.
Đối với các vườn cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh nhưng bị các bệnh về rễ, tuyến trùng thì nên nhổ bỏ, trồng mới nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cải tạo đất bằng cách trồng luân canh các loại cây họ đậu tối thiểu 1 năm.