Sơn La: Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng
Sơn La: Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Sơn La: Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vùng đồng bào dân tộc |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, tỉnh đã triển khai nội dung ‟Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng dân tộc thiểu số và miền núiˮ. Với nguồn vốn được giao là 20 tỷ đồng, Sơn La đã đầu tư xây dựng mới 10 công trình chợ tại địa bàn xã đặc biệt khó khăn của 8 huyện.
Hiện nay, đã có 5 công trình chợ được đưa vào khai thác, vận hành; 5 công trình còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong tháng cuối năm 2023. Các công trình chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo nguyện vọng của nhân dân; nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng công năng sử dụng theo quy định hiện hành.
Các công trình chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo nguyện vọng của bà con (Ảnh minh họa) |
Trong giai đoạn 2023-2025, Sơn La sẽ thực hiện 10 dự án cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa, gồm 2 dự án đường giao thông liên xã và 8 dự án đường từ bản kết nối đến trung tâm xã.
Cụ thể: Tại huyện Mường La là dự án cứng hóa đường giao thông từ bản Phiêng Phả - bản Đán Én đến trung tâm xã Chiềng Lao. Huyện Phù Yên là các dự án cứng hóa đường từ bản Suối Gà - Chè Mè đến trung tâm xã Mường Bang và dự án cứng hóa đường liên xã từ bản Giáp Đất đến trung tâm xã Mường Thải. Còn tại huyện Sông Mã là dự án đầu tư cứng hóa đường giao thông liên xã từ trung tâm xã Chiềng Phung đến trung tâm xã Mường Lầm. Huyện Sốp Cộp là dự án cứng hóa đường giao thông từ bản Nà Chòm đến trung tâm xã Mường Lèo. Huyện Thuận Châu là các dự án: Đường Bản Tát, xã Bon Phăng nối bản Nong Ten, bản Xanh, xã Nậm Lầu và dự án đường từ bản Lậu Nong đi trung tâm xã Nậm Lầu. Và tại huyện Quỳnh Nhai là các dự án đầu tư cứng hóa đường từ trung tâm xã Nậm Ét đến trung tâm xã Mường Sại; dự án đầu tư cứng hóa đường từ bản Hậu đến trung tâm xã Chiềng Khoang (đoạn từ bản Hậu đến bản Phiêng Lỷ) và dự án đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã Chiềng Khay (đoạn từ bản Có Nọi đến bản Khâu Pùm).
Đồng bào dân tộc tham gia làm đường bê tông nông thôn (Ảnh: Trường Sơn) |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa. Như vậy, nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4 Chương trình MTQG 1719 sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu này của Đảng bộ tỉnh.
Riêng với các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nguồn lực đầu tư của Tiểu dự án 1 Dự án 4 sẽ góp phần giúp nhân dân sớm có đường đi lại và thông thương hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, đến nay, tất cả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đã được các địa phương trên toàn tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Cơ chế quản lý, điều hành, phân công, phối hợp trong tổ chức thực hiện từng bước hình thành và đi vào nề nếp. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình cơ bản được ban hành đầy đủ, kịp thời. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình được thực hiện thường xuyên.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020; có ít nhất một huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới; 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trường học xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh cho học sinh ở các cấp học; 100% đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Với trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021- 2025. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. |