Thừa Thiên Huế: Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị
Khuyến công Thừa Thiên Huế: Nguồn vốn nhỏ, hiệu quả lớn Thừa Thiên Huế: Quan tâm đến công tác dân tộc và đời sống tinh thần của đồng bào |
Với tiềm năng vốn có, thời gian qua, người dân Thừa Thiên Huế đã tận dụng các vùng đất hoang hóa, đất rú cát đầu tư phát triển cây dược liệu, bước đầu có những kết quả khả quan, cung cấp nguyên liệu cho thị trường, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Đến nay, diện tích cây dược liệu được gây trồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng hơn 315 ha, tập trung ở các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Quảng Điền, với những loài cây dược liệu quý như: Sa nhân, ba kích, đinh lăng, hà thủ ô, thổ phục linh, sâm cau,...
Nhiều loài dược liệu được gây trồng để phục vụ sản xuất sản phẩm hàng hóa giá trị cao (Ảnh: Hoài Thương) |
Tiềm năng lớn cho cây dược liệu
A Lưới là một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025. Với hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình lắm núi nhiều dốc khiến A Lưới khó chồng thêm khó. Thế nhưng, chính địa hình đó đã tạo thành một tiểu vùng khí hậu đặc trưng với nền nhiệt mát mẻ, đất đai màu mỡ, có nhiều lợi thế để trồng cây dược liệu.
Nắm bắt lợi thế này, đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới đã mạnh dạn trồng các loại cây như: Sâm bố chính, cà gai leo, gừng gió, thiên niên kiện… Đến nay, dược liệu đã trở thành cây chủ lực để đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới thoát nghèo bền vững.
Để phát triển tiềm năng cây dược liệu, huyện A Lưới đã quy hoạch 360 ha vùng trồng dược liệu tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025. Dự án trồng cây dược liệu quý này nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn I, có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng.
Dự án được triển khai thực hiện tại các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm và một số xã khác sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số (ưu tiên các dự án có sử dụng trên 50% là lao động nữ); thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
Cây tràm gió là cây dược liệu mà người dân Thừa Thiên Huế trồng nhiều nhất để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở kinh doanh dầu tràm. Tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, từ những năm 2000, những mầm tràm gió tự nhiên đã được người dân nơi đây gieo trồng. Nhiều năm sau đó, diện tích trồng được mở rộng.
Hiện tại, xã Lộc Thủy có khoảng 60 ha tràm gió được trồng và đã khai thác lá, đáp ứng 50% nguyên liệu cần có tại địa phương, giúp người dân nghèo ổn định cuộc sống. Nhiều hộ đồng bào ở Lộc Thủy đã trồng chàm gió trên vùng đất cát bỏ hoang, thu nhập mỗi năm mấy chục triệu để trang trải cuộc sống, cho con cái ăn học…
Còn tại huyện Phong Điền, cây atiso đỏ đã và đang mang lại thu nhập cao, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế. Cây atisô đỏ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Quy trình chăm sóc cũng đơn giản, không tưới nước, không sử dụng phân bón. Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Phong Điền hiện có khoảng 183 ha cây dược liệu. Trong đó, cây tràm dược liệu khoảng 95 ha; cây sả, cây nghệ 20 ha; atiso 55 ha...
Ở huyện Quảng Điền, đến nay trên địa bàn toàn huyện đã phát triển hàng trăm ha cây tràm gió, nhiều diện tích bồ công anh, nhân trần, đinh lăng, cùng các loài dược liệu mới du nhập vào địa bàn như an xoa, sâm cau…
Thời gian qua, Quảng Điền đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây dược liệu. Việc phát triển cây dược liệu phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nguyện vọng của người dân. Các dự án thử nghiệm phát triển cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Thừa Thiên Huế cần quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung (Ảnh: Hoài Thương) |
Thực hiện đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP”
Để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đến năm 2030”.
Theo đó, trong năm 2023, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển dược liệu, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ưu tiên lựa lọn một số loại cây dược diệu, vùng trồng dược liệu; xây dựng trục văn hóa – thảo dược để phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh Thừa Thiên Huế; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu… Đồng thời, hỗ trợ trợ từ 1 đến 2 dự án đầu tư phát triển cây dược liệu; hỗ trợ từ 2 đến 3 doanh nghiệp dược liệu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng tạo điều kiện, hỗ trợ ít nhất 2 doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh; triển khai 1 nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu được Trung ương hỗ trợ kinh phí trên địa bàn.
Để đạt được những mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển các vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên; xây dựng “Trục văn hóa - Thảo dược” phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị ... Qua đó, từng bước giúp người dân ổn định sinh kế từ cây dược liệu, giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, đồng bào dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, qua đó có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đặc biệt, dự án trồng cây dược liệu theo chuỗi ở A Lưới là một quyết sách mang tính chiến lược; là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần vào thành công chung của Chương trình MTQG 1719. |