Quảng Bình: Khó thu hút dự án quy mô vì thiếu ‘mặt bằng sạch’
Trung tâm điện lực Quảng Trạch: Hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án điện khí LNG ở miền Trung: Đáp ứng nhu cầu cung ứng năng lượng bền vững |
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, công tác quy hoạch Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) tại tỉnh Quảng Bình đã được quan tâm triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả. Đáng chú ý, việc hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La đã thẩm định, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu các KCN, hình thành không gian các khu chức năng trong KKT, tạo quỹ đất tập trung cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiềm năng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong KCN, KKT đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo mặt bằng, quỹ đất tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (KCN Bắc Đồng Hới mở rộng, KCN Cảng Biển Hòn La mở rộng). Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư.
Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong KKT, KCN đã ổn định sau đại dịch Covid-19 có chiều hướng tăng trưởng khá (giá trị sản xuất ước năm 2024 khoảng 5.651,1 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2023), đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Thương mại qua cửa khẩu Cha Lo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao (ước năm 2024 khoảng 2.482 triệu USD, tăng 19% so với năm 2023), trở thành một trong các cửa khẩu Việt Nam-Lào có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn nhất.
Công tác quản lý nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, tài sản kết cấu hạ tầng trong các Khu kinh tế được quan tâm thực hiện tốt, đúng quy định của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được chú trọng thực hiện, đạt kết quả tốt, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Bình - cho biết: “Tính đến quý III năm 2024, việc thu hút đầu tư tại các KCN, KKT đạt kết quả chưa cao chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án mới, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, tiến độ triển khai các dự án của nhà đầu tư cơ bản còn chậm. Thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN tạo quỹ đất, mặt bằng sạch phục vụ thu hút đầu tư còn chậm hoàn thành do vướng mắc giải phóng mặt bằng và thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng”.
“Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, để sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng, quỹ đất sạch thu hút đầu tư và xử lý các tình hướng cấp bách phát sinh, Ban Quản lý KKT đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng KCN Bắc Đồng Hới mở rộng số tiền hơn 15 tỷ đồng và phê duyệt Đề án thu tiền giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Đồng Hới mở rộng để sớm thu tiền từ các nhà đầu tư thuê đất, hoàn vốn cho Quỹ phát triển đất và ngân sách nhà nước theo lộ trình đã cam kết” - ông Khánh cho biết.
Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới mở rộng. Ảnh: Ngô Huyền |
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác được đại diện Ban Quản lý KKT chia sẻ như: hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN hiện nay đang triển khai chưa hoàn thiện; Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, vị trí của tỉnh cách xa các trung tâm kinh tế lớn, khu vực kinh tế phát triển nên việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn; Nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật-xã hội các KCN, KKT từ hỗ trợ của Trung ương cũng như bố trí từ ngân sách địa phương còn hạn chế so với kế hoạch, mục tiêu đặt ra. Do thiếu nguồn lực nên việc tạo mặt bằng, quỹ đất sạch rất hạn chế, dẫn đến khó thu hút được các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao và hiện đại. Các công trình xử lý môi trường tại KCN chưa được đầu tư, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, xây dựng tại các địa phương còn nhiều bất cập, việc xây dựng trái phép và sai lệch giữa hồ sơ lưu trữ và thực địa đất đai, phát sinh vướng mắc trong kiểm đếm, quy chủ để giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư so với dự kiến, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
“Trong các tháng cuối năm 2024 Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình sẽ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch KCN, KKT, tăng cường công tác quản lý quy hoạch và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá dự án của nhà đầu tư trong KKT, KCN, rà soát tiến độ các dự án, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo xin chủ trương xử lý các dự án chậm tiến độ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”- ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay.
Đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế cho biết thêm, thời gian các tháng cuối năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư từ bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động. Hướng dẫn, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư; giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.
Đôn đốc tiến độ triển khai các dự án theo chủ trương đã chấp thuận; rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định pháp luật; tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã chấp thuận chủ trương, triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư với hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, tỉnh hiện có 7 KCN đi vào hoạt động, gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KCN Cam Liên, KCN Cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II và KCN cửa ngõ phía Tây có tất cả 40 nhà máy sản xuất đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy trong các KKT, KCN ngày càng tăng lên; trong đó, KCN Tây Bắc Đồng Hới hiện có tỉ lệ cao nhất với 100%, KCN cảng biển Hòn La (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 80%, KCN Bắc Đồng Hới (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 83,5%, KCN Hòn La II lấp đầy 20,5%, còn lại các KCN khác có tỉ lệ lấp đầy dưới 20%. |