Lâm Đồng: Tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu tầm nhìn đến năm 2030
Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng): Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng cây atiso Thị trường cà phê thế giới chao đảo vì EUDR Lâm Đồng: Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương |
Chiều 4/11, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nằm trong Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030. Với mục đích thực hiện đồng bộ trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt với sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế, trong đó, tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu là hết sức quan trọng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, để tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, thứ nhất phải đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và nhu cầu thị trường; trong đó, tập trung vào 3 nhóm hàng, nhóm hàng khoáng sản: Xuất khẩu oxit nhôm, hydroxit nhôm, tiến tới xuất khẩu nhôm thỏi.
Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung xuất khẩu sản phẩm nông sản qua chế biến, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chú trọng sản phẩm sợi tơ tằm, sợi lông cừu, hàng may mặc. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đối với nhóm hàng mới là sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn Halal sang các thị trường Hồi giáo; trái cây tươi sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ; hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và carbon thấp.... Phấn đấu đến năm 2030, có thêm khoảng 02 sản phẩm (nhóm sản phẩm) xuất khẩu chủ lực, trong đó chú trọng sản phẩm trái cây như sầu riêng, bơ,...
Một góc Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Thứ hai, tỉnh sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng. Trong đó, thị trường châu Á, sẽ duy trì các thị trường hiện có (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...); thúc đẩy thương mại chính ngạch đối với các nước có chung đường biên giới với nước ta, nhất là Trung Quốc. Đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm khoảng 66% và tốc độ tăng trường xuất khẩu tại thị trường từ 10-12%/năm.
Về thị trường châu Âu, mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Italia, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EAEU nhóm hàng thực phẩm, dệt may, đồ gỗ, thủy sản,... Đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm khoảng 27% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường từ 10-12%/năm.
Riêng, thị trường châu Mỹ, tỉnh Lâm Đồng sẽ mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Canada; đặc biệt nhóm hàng dệt may và nông sản chế biến. Đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 5% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường từ 10-12%/năm.
Thứ ba, về lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa, tỉnh sẽ ưu tiên nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, xuất khẩu; kiểm soát hàng hoá nhập khẩu để phòng chống gian lận thương mại và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế; đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc lớn vào một thị trường.
Thứ tư, phát triển chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu và hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng, kênh phân phối xuất khẩu; liên kết từ sản xuất - sơ chế - chế biến - xuất khẩu phù hợp đặc điểm và tập quán sản xuất; khuyến khích hình thành các vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xuất xứ vùng trồng, chăn nuôi; xuất khẩu.
Phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản chuyên canh tập trung đối với các loại nông sản có lợi thế xuất khẩu cao để tạo nguồn nguyên liệu quy mô lớn, ổn định phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu; hình thành các trung tâm sơ chế, khu vực chế biến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại gồm: Hạ tầng giao thông; hạ tầng dịch vụ logistics, nhất là đẩy mạnh phát triển hạ tầng dịch vụ logistic phục vụ cho nông nghiệp như hệ thống kho hàng sơ chế, kho lạnh dự trữ hàng hoá, đông lạnh và các dịch vụ vận chuyển hàng hoá nông sản; hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại; giảm chi phí dịch vụ logistics.