Nghệ An: Đánh thức tiềm năng cây dược liệu
Nghệ An: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị Nghệ An: Bảo tồn giống lúa nếp bản địa của đồng bào dân tộc Thái |
Xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, tỉnh Nghệ An đang tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến nhằm đánh thức tiềm năng cây dược liệu.
Thu hoạch dây thìa canh trên vùng nguyên liệu của Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Đường (Ảnh: Đình Tuyên) |
Trong đó, một số doanh nghiệp đã quan tâm tìm hiểu khảo sát và đầu tư như: Công ty Dược liệu Pù Mát, Tập đoàn TH; nhiều doanh nghiệp khác cũng cam kết đầu tư như: Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty Dược và Vật tư y tế Nghệ An đang xây dựng nhà máy dược tại Khu công nghiệp Nam Cấm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án lớn được đầu tư phát triển theo hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, với quy mô gần 2.000 ha, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Điều này đang mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao giá trị cây dược liệu; đồng thời tạo sinh kế bền vững, định canh, định cư ổn định cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện phía Tây Nghệ An.
Mặc dù thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn nhiều lần so với cây ngô và cây keo nhưng yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu; hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu và yếu. Do đó, muốn phát triển dược liệu, điều cốt lõi nhất vẫn là thu hút doanh nghiệp tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm. Đây là tiền đề để tỉnh Nghệ An triển khai chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển cây dược liệu.
Những năm gần đây, dự án trồng và sản xuất dược liệu của Tập đoàn TH tại huyện Kỳ Sơn đã không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số trong vùng dự án. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Cuối tháng 5/2023, huyện Kỳ Sơn cũng đã tổ chức Hội thảo "Hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát, tư vấn đánh giá và xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý". Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển dược liệu quý, một lĩnh vực mà Chính phủ đã đặt sự quan tâm và đầu tư nhằm phát triển tiềm năng và lợi thế kinh tế - xã hội. Huyện Kỳ Sơn là 1 trong 22 huyện được hỗ trợ và đầu tư phát triển cây dược liệu quý thông qua dự án liên kết chuỗi giá trị giai đoạn từ năm 2021 đến 2025. Đây cũng là chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với cam kết hỗ trợ và đầu tư vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đặc biệt là trong vùng trồng dược liệu quý.
Theo đó, các xã Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Càn, Na Ngoi, Tây Sơn đã được chọn là địa điểm xây dựng vùng trồng dược liệu quý. Vùng này với tổng diện tích quy hoạch lên đến 221 ha. Đồng thời, xây dựng danh mục cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và nước tưới bao gồm 17 loài cây dược liệu.
Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào từ trồng dược liệu (Ảnh: Ngọc Tú) |
Ngoài ra, huyện Kỳ Sơn cũng đã thiết kế mô hình khu sơ chế và chế biến dược liệu tại bản Cù xã Chiêu Lưu, với diện tích 5,2 ha. Khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu gom, chế biến và sơ chế dược liệu từ các vùng trồng dược liệu quý khác.
Trong kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để có thể đạt mục tiêu này, tỉnh đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, triển khai công tác bảo vệ, bảo tồn nguồn gen quý, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để phát triển và mở rộng các loại dược liệu có giá trị.
Hy vọng khi triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều huyện miền núi của tỉnh Nghệ An sẽ được thụ hưởng dự án để phát triển vùng dược liệu, tạo sinh kế bề vững cho đồng bào dân tộc.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trên địa bàn 131 xã, 588 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình, tỉnh chú trọng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm dần số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. |