Hà Nội: Phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị
Để không gian nông nghiệp Thủ đô phát triển Hà Nội chú trọng thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng |
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 304/KH-UBND ngày 18/12/2023 về triển khai thực hiện Phụ lục 07 Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 HĐND thành phố quy định nội dung, mức chi đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025.
Diện mạo nông thôn từng bước đổi thay (Ảnh: Ngân Phương) |
Kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn 4 huyện, 13 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng nông thôn Hà Nội.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang sản xuất nông nghiệp, có nhu cầu được hỗ trợ; doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.
Có 2 hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ.
Trong đó, mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gồm: Chi hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết. Cụ thể: Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng hợp đồng liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, phương án phát triển thị trường tối đa không quá 300 triệu đồng.
Đối với hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ: Nội dung và mức chi thực hiện theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4-3-2022 của Bộ Tài chính (thay thế bằng Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT- BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính).
Hỗ trợ tối đa không quá 70% kinh phí mua nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật) theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 3 chu kỳ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số.
Về nội dung, mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 05 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố quy định một số nội dung, mức chi đối với hoạt động khuyến nông địa bàn thành phố Hà Nội; kinh phí thực hiện 1 dự án tối đa không quá 3 tỷ đồng; khuyến khích bên nhận đặt hàng, các hộ gia đình, cộng đồng tham gia dự án có đóng góp đối ứng (bằng tiền, ngày công, hoặc hiện vật).
Hà Nội quan tâm phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp (Ảnh: T.H) |
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I, thuộc 4 huyện. Cụ thể, tại huyện Ba Vì có 7 xã, huyện Thạch Thất có 3 xã, huyện Quốc Oai có 3 xã, huyện Mỹ Đức có 1 xã. Toàn thành phố có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số.
Diện tích tự nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 33.458 ha, chiếm khoảng 10% diện tích toàn thành phố, thuận lợi cho việc phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi như: Chè, sắn, dong riềng, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, bò sữa, cây thuốc nam, cây ăn quả... Ngoài ra, các địa phương vùng dân tộc thiểu số các huyện có tiềm năng khai thác và phát triển du lịch sinh thái, tâm linh.
Trong những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ưu tiên các xã khu vực nông thôn miền núi. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư đồng bộ, 100% số xã có đường bê tông hóa, ô tô vào đến trung tâm xã. 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố.
Đến nay, các xã vùng dân tộc, miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm gần 11%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,42%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng trên 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.