Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng): Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng cây atiso
Sơn La: Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vùng đồng bào dân tộc Nghệ An: Đánh thức tiềm năng cây dược liệu |
Là huyện miền núi của tỉnh Lâm Đồng, điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn Lạc Dương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao. Vì vậy, thời gian qua, huyện Lạc Dương luôn quan tâm tìm và phát triển các loại cây trồng thế mạnh bản địa, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong đó, cây atiso được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, canh tác của bà con hiện nay.
Nhiều hộ đồng bào đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất atiso (Ảnh: Phương Chi) |
Tại những xã vùng sâu, vùng xa Đạ Sar, Đa Nhim, trước đây đồng bào thường trồng cà phê và các loại rau màu ngắn ngày như đậu Nhật, súp lơ. Thời gian qua, được sự hỗ trợ và khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và tham gia Tổ hợp tác sản xuất atiso.
Không phụ công người trồng, sau một thời gian thử nghiệm chuyển đổi, hiện nay, các vườn atiso tươi tốt trải dài trên triền dốc của các xã vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thoát nghèo nhờ liên kết trồng dược liệu với Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar).
Tham gia Tổ hợp tác, các hộ đồng bào phải tuân thủ quy trình trồng theo đúng hướng dẫn của Ladophar: Sử dụng phân vi sinh, phân bò, không dùng phân cá vào cây atiso vì cây này cho thu lá, chế để uống trà và làm thuốc. Sau 4 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch lá và được công ty bao tiêu thu mua toàn bộ. Hàng tuần, nhóm nhân viên kỹ thuật của công ty đều ra tận cánh đồng cùng bà con kiểm tra cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, bà con được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch.
Đến nay, toàn huyện Lạc Dương đã phát triển 3 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu atiso. Đó là chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ atiso tại 2 xã Đạ Sar, Đạ Nhim giữa Ladophar với 10 hộ trồng 5 ha; Công ty TNHH Vĩnh Tiến với 40 hộ trồng 4 ha; Công ty TNHH Trà Ngọc Duy với 20 hộ trồng 2 ha. Cùng với việc áp dụng quy trình trồng theo quy chuẩn, việc liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng để đảm bảo ổn định đầu ra cho người trồng cũng như chất lượng đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, diện tích atiso tại Lạc Dương đã tăng lên 50 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Đa Nhim, Đa Sar, Đa Chais, Lát. Thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có gần 100 hộ tham gia vào chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ atiso, mang lại thu nhập cao cho đồng bào vùng sâu tại địa phương.
Trà atiso được người tiêu dùng ưa chuộng |
Với tiểm năng sẵn có, thời gian tới, Lạc Dương tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây atiso. Giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2030 là tập trung gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm atiso nói riêng và các loại cây dược liệu tiềm năng trên địa bàn nói chung. Tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho năng suất, chất lượng cao trong sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu trồng đến sản xuất, khai thác chế biến, sử dụng các sản phẩm dược liệu; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã số vùng trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia, quốc tế trên thị trường nội tiêu và xuất khẩu.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có Nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Đây là dự án đầu tiên về phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Lạc Dương cần tận dụng và phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương để triển khai hiệu quả nội dung này nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ôn đới thuận lợi, cây atiso sản xuất tại Lạc Dương có hàm lượng dược tính cao, nhờ vậy đã trở thành cây trồng bản địa tại địa phương. Hiện nay, huyện Lạc Dương đã phê duyệt 1 dự án và 2 kế hoạch liên kết cấp huyện về hỗ trợ tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi liên kết cây dược liệu. Trong đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng với các cây dược liệu đương quy, atiso. |