Tuyên Quang: Tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt gần 9%/năm
Nhiều giải pháp phát triển rừng bền vững
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tuyên Quang là 1 trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 3 của cả nước về tỷ lệ rừng che phủ, với tỷ lệ 65%. Ngành Lâm nghiệp Tuyên Quang đang từng bước trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hiện nay, Tuyên Quang là một trong những địa phương có tỷ lệ độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Ảnh: Sở NN&PTNT |
Để phát huy thế mạnh, Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và giúp nâng cao đời sống của người trồng rừng...
Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 85 nghìn ha/năm. Cùng đó, hỗ trợ bảo vệ trên 10 nghìn ha rừng/năm cho 4.104 hộ dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hỗ trợ trên 132 tỷ đồng.
Cùng đó, lực lượng kiểm lâm đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng trên điện thoại thông minh của các lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo các Hạt, các Trạm kiểm lâm. Nhờ đó, khi có thông tin về điểm cháy, lực lượng kiểm lâm đều được cảnh báo sớm và chỉ đạo kiểm tra xác minh, xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Ngành chức năng địa phương này cũng thực hiện hệ thống bảng, biển cảnh báo cấp cháy rừng tại các khu trọng điểm về cháy rừng…
Để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu tại xã Trung Sơn và Đạo Viện, huyện Yên Sơn. Mô hình này hiện đang được triển khai trồng với diện tích hơn 40ha với sự tham gia của 11 hộ gia đình.
Giống cây được trồng là cây keo lai mô, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Qua dự án, người trồng rừng được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng rừng. Qua theo dõi, đánh giá, toàn bộ diện tích cây trồng theo mô hình này đều phát triển, sinh trưởng tốt.
Ông Nguyễn Doãn Hùng, Phó Trưởng phòng Trồng trọt và Lâm Nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu tại xã Trung Sơn và Đạo Viện, huyện Yên Sơn đạt hiệu quả rất cao.
Đặc biệt, người trồng rừng đã thay đổi được tập tục canh tác cũ và phát triển kinh tế từ nghề trồng rừng có hiệu quả hơn. Với việc người trồng rừng áp dụng tốt các kỹ thuật đã được hướng dẫn, chăm sóc đúng quy trình thì khi thu hoạch ở năm thứ 9, thứ 10 sẽ đảm bảo được mật độ cây trồng, tăng khối lượng gỗ để đạt được giá trị hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân trồng rừng gỗ lớn.
Tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 9%/năm
Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã hình thành vùng rừng nguyên liệu với gần 200 nghìn ha, với tốc tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 9%/năm.
Địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao để trồng rừng, củng cố hệ thống vườn ươm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang trao chứng nhận mã số vùng trồng rừng cho đại diện Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn. Ảnh: ĐL |
Đến nay, Tuyên Quang đã có 81.000ha rừng trồng gỗ lớn, bảo đảm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Hiện nay, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đạt 1.600 tỷ đồng/năm, chiếm 16% trong cơ cấu sản xuất toàn ngành nông nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 8,8%; năng lực chế biến gỗ rừng trồng, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và tỷ lệ che phủ rừng nằm trong tốp đầu cả nước. Địa phương này phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng gỗ lớn của tỉnh đạt 89.000ha; năng suất rừng trồng đạt bình quân 22m3/ha/năm.
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang trở thành trung tâm vùng về công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ và giấy, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị ngành gỗ và lâm sản của vùng, tham gia chuỗi sản xuất lâm sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Đề án được thực hiện sẽ tăng giá trị kinh tế lên 200% so với hiện nay.
Ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định, Tuyên Quang có độ che phủ rừng đứng tốp đầu, sản lượng khai thác đứng đầu cả nước và đã thu hút được một số doanh nghiệp chế biến gỗ lớn nhất cả nước đây là điều kiện để phát triển lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trở thành trung tâm chế biến gỗ của cả nước.
Với sự phát triển của ngành Lâm nghiệp Tuyên Quang, những năm qua không chỉ tạo ra doanh thu, việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống của nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn giữ môi trường sống trong lành. Ngành Lâm nghiệp đang phát triển theo hướng đa giá trị, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.