Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về an toàn giao thông xe máy
Sáng 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, xe máy là phương tiện di chuyển chính, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi xe máy không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn là công cụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi và phổ biến của xe máy là những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 73 triệu xe máy, chiếm khoảng 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm từ 60-70% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt và toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Ảnh: N.H |
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện an toàn giao thông, đặc biệt là đối với người đi xe máy. Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều chương trình và chính sách quan trọng như bắt buộc đội mũ bảo hiểm, kiểm soát nồng độ cồn khi điều khiển xe máy, cải thiện hạ tầng giao thông và đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực.
"Theo Báo cáo An toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2023 của WHO, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam đã giảm 43,5%, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức giảm trên 30% trong thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ lần thứ nhất", ông Hùng dẫn chứng.
Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng đề nghị một số định hướng chính trong công tác nghiên cứu và thảo luận. Cụ thể, trong công tác nâng cao năng lực quản lý và phát triển hạ tầng giao thông an toàn.
"Đề nghị các chuyên gia quốc tế và trong nước cùng trao đổi về các mô hình hạ tầng giao thông an toàn cho xe máy, bao gồm làn đường riêng cho xe máy, tổ chức giao thông tại các điểm giao cắt và các khu vực trường học.
Việt Nam mong muốn tiếp cận các mô hình thành công và khả thi từ các quốc gia để có thể áp dụng, cải thiện hạ tầng giao thông an toàn cho người đi xe máy trong bối cảnh giao thông hỗn hợp hiện nay", Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho hay.
Bên cạnh đó, về xây dựng quy định và tiêu chuẩn phương tiện giao thông an toàn, ông Hùng cho biết, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo trong nhiều năm tới, nên việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho phương tiện xe máy là cần thiết. Các thiết bị như hệ thống phanh chống bó cứng, đèn chiếu sáng tự động, thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên xe máy cần được nghiên cứu và khuyến nghị trong chính sách an toàn giao thông.
Đồng thời, trong thời gian tới cần phát triển các chương trình đào tạo, sát hạch hiệu quả cho người an toàn của điều khiển xe máy như các nội dung đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép xe cần đáp ứng được yêu 1 cầu về kỹ năng và ý thức người lái xe máy.
"Tôi mong muốn các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, cũng như giải pháp nâng cao ý thức cho người điều khiển nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn xe máy", ông Hùng nói
Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.H |
Bên cạnh đó, về đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng: Không chỉ tập trung vào việc xây dựng hạ tầng hay cải tiến phương tiện, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn giao thông là yếu tố then chốt. Các chiến dịch truyền thông, giáo dục an toàn giao thông cần phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng sử dụng xe máy chiếm đa số.
Đặc biệt, trong tương lai cần có các giải pháp khuyến khích các hình thức giao thông công cộng, xe đạp hoặc đi bộ, đồng thời xem xét các giải pháp di chuyển xanh để hạn chế số lượng xe gây ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm trên, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cho rằng, Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để tăng cường An toàn giao thông dành cho xe máy, qua đó giúp giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến phương tiện này.
Bà Angela Pratt nhận định, xe máy có vai trò quan trọng trong di chuyển của người dân tại Việt Nam, đây là phương tiện phổ biến, tiện lợi, ít chi phí, dễ dàng di chuyển đến mọi nơi trong khu vực, có thể sử dụng để đi học, đi làm, di chuyển trong thành phố.
Theo đó, WHO cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với các cơ quan của Việt Nam trong tương lai, qua đó, hỗ trợ triển khai Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.