Thanh Hóa: Quyết liệt triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Gạo nếp Cay Nọi: Từ đặc sản địa phương thành sản phẩm OCOP Thanh Hóa: Giải pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu sắn |
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 4 huyện giáp ranh có xã và thị trấn miền núi, 2 huyện và thị xã có thôn miền núi. Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có dân số trên 1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 60%.
Do đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đang được các địa phương triển khai quyết liệt và cụ thể.
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lang Chánh làm gối ngủ từ thảo dược (Ảnh: T.H) |
Bá Thước là huyện miền núi cao có 3 dân tộc chính là Mường, Thái, Kinh cùng sinh sống. Mặc dù là huyện miền núi có đông đồng bào DTTS, nhưng khi triển khai Chương trình MTQG 1719, kinh tế - xã hội huyện Bá Thước đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực.
Theo đó, huyện đã tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án, như: Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 47 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 414 hộ ở 17 xã; xây dựng 01 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng với diện tích trên 7.000 ha. Xây dựng 12 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; đầu tư xây dựng 71 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Đặc biệt, huyện Bá Thước đã có nhiều cách làm hay, tạo sự khác biệt trong phát triển kinh tế địa phương như: Xây dựng thành công một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng thôn Pù Luông, xã Thành Sơn; công trình đường giao thông nông thôn thôn Báng, xã Thành Sơn… Từ đó, góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS và miền núi.
Huyện Quan Sơn bê tông hóa đường giao thông nông thôn (Ảnh: Kim Chung) |
Quan Sơn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 92,7% dân số toàn huyện. Đây cũng là huyện có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng giao thông khó khăn, sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu nhưng đa số vẫn mang tính tự cung tự cấp, chưa trở thành hàng hóa, các loại hình kinh doanh ít, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Hiện nay, huyện Quan Sơn đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn này là 150 tỉ đồng để thực hiện 10 dự án. Trong đó, một số nội dung đã và đang được huyện ưu tiên đẩy mạnh giải ngân thời gian qua như: Hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt (Dự án 1); hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất (Tiểu dự án 1 của Dự án 3); đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn (Nội dung số 01 - Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4); bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch (Dự án 6)...
Huyện đã xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, cấp bách nhất ở vùng DTTS và miền núi. Trong đó, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ giải quyết những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống cho đồng bào ở những địa bàn khó khăn nhất.
Theo đó, đã có nhiều công trình cơ sở hạ tầng được cải tạo, xây dựng như: Hệ thống xử lý nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư; công trình nước sinh hoạt tập trung bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy; nâng cấp, cải tạo Trường PTCS Dân tộc bán trú xã Sơn Thủy; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa - Khu thể thao Khu 2, thị trấn Sơn Lư và bản Cha Khót, xã Na Mèo; xây dựng đường giao thông nội vùng thị trấn Sơn Lư…
Từ khi bắt đầu triển khai Chương trình MTQG 1719 đến nay, huyện Quan Sơn đã xây dựng được hơn 71,43 km đường giao thông nông thôn; hơn 20 km kênh mương, rãnh thoát nước; 11 công trình thủy lợi, 5 công trình cấp nước sinh hoạt; xây dựng mới và chỉnh trang trên 224 nhà ở dân cư; trồng được 65 km đường hoa, cây xanh; làm 12 km đường điện thắp sáng đường quê; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đạt 80%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%...
Nhằm tạo sinh kế bền vững cho bà con, huyện đã tập trung xây dựng các mô hình: Chăn nuôi lợn, chăn nuôi dê, vỗ béo trâu bò, mô hình trồng lúa tẻ nương… Hiện nay, các mô hình được duy trì rất tốt tại các xã miền núi. Đặc biệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm được huyện Quan Sơn tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, huyện có 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao là: Măng khô Năng Non, thịt bò khô Mường Hạ, nếp cái Mường Xia.
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai hiệu quả việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, đối với diện tích rừng phòng hộ là 5.650 ha; hỗ trợ bảo về rừng đối với rừng sản xuất, rừng tự nhiên là 9.308 ha với tổng kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng...
Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Thanh Hóa đã có những đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025; kết cấu hạ tầng được đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần ngày được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm qua các năm, một số bộ phận hộ đồng bào DTTS xóa được nhà tạm, nhà dột nát; nước sinh hoạt từng bước cải thiện; ổn định nơi ở, ổn định sản xuất và đời sống đồng bào. |