Bắc Kạn: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc
Bắc Kạn: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Kạn: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, Bắc Kạn là 1 trong 7 tỉnh được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng “Mô hình thương mại hai chiều” trong năm 2023 thuộc nội dung nhiệm vụ Tiểu dự án 2, Dự án 3 về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn năm 2023 (Ảnh: Bích Ngọc) |
Theo đó, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tiến hành khảo sát địa điểm thuộc 7 huyện trên địa bàn để lựa chọn hỗ trợ xây dựng 1 mô hình thương mại hai chiều nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng mặt hàng thiết yếu cho địa phương.
Qua quá trình khảo sát, Sở Công Thương đã lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình tại Hộ kinh doanh Trương Văn Phấn, tại thôn Thôm Mò, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông và phối hợp với đơn vị thụ hưởng triển khai các nội dung hỗ trợ.
Mục tiêu xây dựng mô hình thương mại hai chiều tại huyện Bạch Thông nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao) với các sản phẩm như: Miến dong, dược liệu, bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP. Đồng thời, cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho địa phương như: Hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp… phục vụ sản xuất và tiêu dùng của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.
Mô hình nhằm mở rộng mạng lưới phân phối các mặt hàng thiết yếu, chất lượng cao, đặc sản đến người dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trực tiếp giới thiệu quảng bá, bán sản phẩm đến người tiêu dùng vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Điểm bán của hộ kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí: Có vị trí giao thông thuận lợi, phục vụ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh và phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của nhân dân tại địa phương. Đặc biệt, diện tích khu vực trưng bày và bán sản phẩm 100m2, kinh doanh trên 100 sản phẩm bao gồm: Các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, các sản phẩm OCOP và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống nhân dân, vật tư nông nghiệp. Hộ kinh doanh Trương Văn Phấn đã được chương trình hỗ trợ các trang thiết bị như: Biển hiệu, tủ, giá trưng bày, catalogue, tờ rơi giới thiệu về các sản phẩm và điểm bán để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng bày, kinh doanh sản phẩm.
Mô hình thương mại hai chiều ở thôn Nà Lẹng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Ảnh: Thanh Hòa) |
Trước đó, Sở Công Thương Bắc Kạn đã hỗ trợ huyện Pác Nặm xây dựng 1 điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa theo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Với điều kiện đáp ứng gần khu vực đông dân cư, các cơ quan, trường học, chợ xã, vị trí giao thông thuận lợi, Hộ kinh doanh Nguyễn Đình Cường (địa chỉ tại thôn Nà Lẹng, xã Bộc Bố) được lựa chọn làm điểm thực hiện mô hình. Trong quá trình xây dựng, điểm bán hàng được hỗ trợ làm biển hiệu, tủ kính, giá trưng bày sản phẩm với tổng trị giá 127 triệu đồng. Mô hình mở rộng mạng lưới phân phối các mặt hàng thiết yếu, chất lượng cao, đặc sản đến người dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các mặt hàng nông sản địa phương, sản phẩm OCOP đã đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ của người dân.
Hiện nay, huyện Pác Nặm cũng đã được phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng “Nhà trưng bày, trao đổi, mua bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng” tại xã Bộc Bố. Việc đầu tư xây dựng công trình nhằm tạo cơ sở vật chất, không gian trưng bày, mua bán trao đổi, quảng bá các sản phẩm OCOP, hàng hóa nông, lâm nghiệp trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh có thêm kênh quảng bá sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi với dư địa và tiềm năng phát triển thị trường của nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú. Thời gian qua, ngành Công Thương Bắc Kạn đã chủ động triển khai nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, các chương trình phối hợp về tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành, các chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia và quốc tế….
Trong khuôn khổ nhiệm vụ, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường dành cho các hộ nông dân sản xuất, buôn bán, tiểu thương tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi với gần 60 đại biểu tham gia. |