Cao Bằng: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc
Công nghiệp Cao Bằng: Phát triển đúng hướng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh Cao Bằng: Phát triển sản phẩm nông sản đặc thù vùng đồng bào dân tộc |
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) như làn gió mới làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống đồng bào các huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Nguồn lực từ chương trình đã giúp các hộ đồng bào dân tộc nơi đây vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Tại huyện Quảng Hòa, đến thời điểm hiện nay, tất cả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 được các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện chủ động triển khai kịp thời. Từ năm 2022 đến nay, huyện hoàn thành 10/23 chỉ tiêu trước kế hoạch đề ra. Trong đó, huyện đã hoàn thành 432 nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 777 hộ, cứng hóa 73,7 km đường nông thôn; 100% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố; 98,91% tỷ lệ thôn, xóm có đường đến trung tâm được cứng hóa…
Đồng bào dân tộc thu hoạch lúa (Ảnh: Thu Huệ) |
Năm 2023, huyện tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 4 là đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, toàn huyện giải ngân 60% nguồn vốn Tiểu dự án 1, hoàn thành 7/99 dự án, 65/99 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Nhiều dự án, hợp phần hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất đã giúp cho bà con trên địa bàn có nhà kiên cố để ở, có cây con giống để phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông thuận tiện đi lại…
Đơn cử như xã Cách Linh - địa phương tiêu biểu trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của huyện, năm 2023 thực hiện 2 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, đối với Dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xã triển khai thực hiện 3 dự án: Trồng cây bưởi da xanh, trồng mía dóc, giao khoán đất rừng cho tổ chức và cá nhân với nguồn vốn trên 3 tỷ đồng. Dự án 4 đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã thi công các dự án: Đường nông thôn Lũng Mò - Bó An, Tềnh Bó - Pò Tẻn, Khuổi Xám - Khuổi Piao với tổng mức đầu tư trên 8,6 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đã được phê duyệt và đang trong quá trình thực hiện.
Bảo Lâm là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Cao Bằng với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bảo Lâm được giao vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 với tổng kinh phí gần 203 tỷ 144 triệu đồng. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn. 100% các xã của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai sâu rộng, ngày càng phát triển toàn diện.
Trong đó, Yên Thổ là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bảo Lâm, là vùng cư trú của nhiều đồng bào dân tộc ít người như: Dao, Mông, Sán Chỉ. Nhờ nguồn vốn của các chương trình MTQG, đến nay, xã Yên Thổ đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn đạt gần 82%; 73% tỷ lệ thôn bản đạt chuẩn văn hóa; 82% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu nước chủ động; 95% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Đáng mừng là hiện nay ở xã Yên Thổ, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế nhờ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719. Bằng các dự án hỗ trợ sản xuất, nhiều năm qua, người dân Yên Thổ tập trung trồng lúa đặc sản Khẩu Siên Păn để sản xuất gạo nếp cẩm Yên Thổ, một trong những loại gạo đặc sản nối tiếng của huyện Bảo Lâm.
Đồng bào Lô Lô bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống (Ảnh: Thúy Hồng) |
Đặc biệt, trong năm 2023, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù thuộc Chương trình MTQG 1719, 2 huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm đã tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống dân tộc Lô Lô. Cụ thể là nghề đan lát, thêu thùa, dệt vải... để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Ngoài ra, từ dự án đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm có đồng bào Lô Lô đen sinh sống trên địa bàn huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm còn được ưu tiên đầu tư dự án hỗ trợ sợi bông để phát triển nghề dệt vải kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.
Việc tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô gắn với phát triển du lịch. Đồng thời cũng là một trong những nhiệm vụ góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719.
Xóm Khuổi Khon nằm cách trung tâm huyện Bảo Lạc khoảng 16 km, 100% là người dân tộc Lô Lô. Trước đây, 50% số hộ đồng bào Lô Lô ở Khuổi Khon là hộ nghèo, cận nghèo. Từ khi người dân bắt tay vào làm du lịch, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng từ xóm Khuổi Khon, tỉnh Cao Bằng đã triển khai Đề án "Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng" có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Từ đó, đồng bào Lô Lô đã biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách; tạo bước chuyển tích cực, hiệu quả từ mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG 1719 đúng theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra; tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |