Quảng Bình: Triển khai nhiều mô hình sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Quảng Bình: 14 chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình: Khẩn trương triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc |
Đổi thay diện mạo vùng đồng bào dân tộc
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) ở Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 là 1.757,5 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 1.598 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Bình đã phân bổ cho 10 dự án đảm bảo đúng tỷ lệ quy định.
Mùa tuốt lúa rẫy ở Trọng Hoá (Ảnh: Xuân Thi) |
Năm 2023, nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình hơn 433 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, y tế, văn hoá, giáo dục… nhằm mục đích nâng cao nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các bản làng vùng đồng bào dân tộc ở 5 huyện biên giới: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hoá đã triển khai nhiều mô hình sinh kế, xây dựng nhiều công trình mới. Qua đó, từng bước góp phần thay đổi diện mạo nhiều bản làng, chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao.
Điển hình là xã Trọng Hóa – một xã biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn ở huyện Minh Hoá. Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, Trọng Hoá là nơi sinh sống của hơn 900 hộ với gần 4.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào dân tộc Chứt chiếm phần lớn. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, xã Trọng Hóa đã phân bổ hơn 1,2 tỷ đồng cho việc chi hỗ trợ khoán bảo vệ rừng trong thời gian dài; đồng thời hỗ trợ và khuyến khích người dân trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa, như lim, trắc, trầm dó, trám, vàng tim… Hiện trên địa bàn xã đã có nhiều hộ đồng bào trồng rừng bằng giống cây bản địa, bước đầu cây phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS ở xã Trọng Hoá, Chương trình MTQG 1719 đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Cải tạo phòng học, khuôn viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS số 2 Trọng Hóa tại bản Dộ- Tà Vờng; xây dựng Nhà văn hóa bản La Trọng 1; đầu tư nguồn vốn để làm nhà ở cho 27 hộ đồng bào dân tộc Chứt sinh sống trên địa bàn xã.
Tại xã Dân Hóa có 11 bản với 100% dân số là đồng bào Chứt sinh sống. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, xã đã triển khai bê tông hóa tuyến đường dân sinh ở bản Bãi Dinh. Đường được thiết kế tiêu chuẩn đường giao thông cấp IV (cấp C), kết cấu bê tông, nền đường rộng 4m và mặt đường rộng 3m, với tổng chiều dài là gần 400m, có mương thoát nước ở ta ly âm, tổng mức đầu tư gần 1,2 tỷ đồng. Tuyến đường đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chứt đi lại, góp phần làm thay đổi diện mạo bản Bãi Dinh nói riêng và xã Dân Hóa nói chung.
Bê tông hóa tuyến đường dân sinh ở bản Bãi Dinh (Ảnh: Phạm Tiến) |
Bên cạnh đó, ở xã vùng biên Dân Hóa, công trình điểm Trường Tiểu học bản Ô Ốc sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 cũng đã đưa vào sử dụng. Công trình này có tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng, quy mô xây dựng 2 phòng học phục vụ 100% con em đồng bào Chứt ở bản có nơi học tập khang trang hơn.
Đầu tư điện lưới quốc gia cho các xã biên giới
Đặc biệt, Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, công trình cấp điện lưới quốc gia cho 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch sẽ được đóng điện phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Dự án được khởi công ngày 10/02/2023 với tổng chiều dài đường dây là 45km, trong đó có 27,5km đường dây trung áp đi ngầm qua vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, 17,4 đường dây trung áp trên không và 8,1km đường dây hạ áp. Tổng vốn đầu tư cho công trình 110 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh, giai đoạn 2022-2024.
Đến thời điểm này, dự án cơ bản hoàn thành phần kéo cáp ngầm theo đường 20 Quyết thắng, hiện đang gấp rút thi công tuyến đường dây trung, hạ áp trên không vào các bản của 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch.
Đồng bào dân tộc thiểu số 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia (Ảnh: PC Quảng Bình) |
Tuy nhiên, do chưa đủ nguồn vốn đầu tư nên dự án mới đầu tư hệ thống đường dây trung áp trục chính từ Km16-400 đến bản 61 và một số tuyến trung áp, hạ áp vào các bản của 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch. Công trình sẽ hoàn thành đóng điện nghiệm thu kỹ thuật trước ngày 31/12/2023 và đóng điện chính thức trước Tết âm lịch 2024.
Theo Sở Công Thương Quảng Bình, do địa hình dân cư vùng biên giới phân bố cách xa nhau, địa hình phức tạp, trong khi nguồn vốn của dự án còn hạn chế nên đối với xã Thượng Trạch mới cấp điện được cho 8 bản, còn 10 bản ở xa trung tâm xã chưa được đầu tư.
Để giải quyết khó khăn này, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo ngành điện đầu tư hoặc đề xuất vốn đầu tư công để đầu tư giai đoạn 2025-2030, khi hệ thống cáp ngầm 22kV qua Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hoàn thành hoặc đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, giao địa phương đầu tư đưa điện lưới đến 10 bản còn lại và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã Thượng Trạch.
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1 trong 10 dự án của Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn vốn này, nhiều mô hình sinh kế đã và đang được triển khai ở các huyện biên giới Quảng Bình nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây ổn định cuộc sống, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. |