Phú Yên: Phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế
Phú Yên đẩy nhanh tiến độ Khu công nghiệp Hòa Tâm Phú Yên: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc và miền núi |
Sau 2 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân Phú Yên.
Nhờ các nguồn lực từ chương trình mà hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có những chuyển biến tích cực.
Về kinh tế, bước đầu đã hình thành các vùng trồng cây nguyên liệu như: Mía, sắn, cao su… gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến; mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất nên năng suất, chất lượng từng bước tăng lên.
Hình thành vùng trồng mía nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến (Ảnh: Q.G) |
Kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt… được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Các hạng mục công trình đã và đang được xây dựng, nhất là đường dân sinh, nước sinh hoạt, nhà ở dân cư đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới về nhà ở dân cư và hộ nghèo của địa phương đến cuối năm 2023. Phần lớn các hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở đều phấn đấu thoát nghèo và hướng tới giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Tiêu biểu là huyện Đồng Xuân, năm 2023 được phân bổ khoảng 68,4 tỉ đồng (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển tiếp sang) thực hiện chương trình; cùng với đó là nguồn ngân sách đối ứng của huyện và vốn vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai một số dự án, tiểu dự án.
Giai đoạn 2021 - 2023, Chương trình MTQG 1719 được triển khai trên địa bàn huyện gồm 10 dự án với 12 tiểu dự án thành phần. Các dự án, tiểu dự án đã góp phần nâng cao đời sống của người đồng bào các DTTS.
Tiêu biểu, năm 2022 - 2023, huyện Đồng Xuân được phân bổ trên 7,5 tỉ đồng thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Địa phương đã hỗ trợ xây dựng 141 nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS; đến nay hoàn thành 130 nhà và đang xây dựng 11 nhà. Đồng thời, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, công trình nước sinh hoạt phân tán, với trên 360 hộ dân được thụ hưởng; hỗ trợ 119 hộ dân thiếu đất sản xuất mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Một góc thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân nhìn từ trên cao (Ảnh: P. Nam) |
Tương tự, thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện được phân bổ 15,3 tỉ đồng sửa chữa, xây dựng mới một số công trình đường dân sinh trên địa bàn các thôn đồng bào dân tộc; sửa chữa nhà rông, đài truyền thanh, trạm phát sóng, nâng cấp trường học… Đến nay, khối lượng thi công các công trình đều đạt từ 80% trở lên. Địa phương đang thúc đẩy hoàn thành các hạng mục; nỗ lực giải ngân hết nguồn vốn được giao trong năm 2023 để phục vụ tốt hơn đời sống người dân.
Sông Hinh là huyện miền núi có 3 xã đặc biệt khó khăn gồm: Ea Bá, Ea Lâm, Ea Trol và 3 buôn đặc biệt khó khăn, gồm: Buôn Nhum (xã Bia), buôn Thô và buôn Hai Riêng (thị trấn Hai Riêng). Giai đoạn 1 từ 2021- 2025, huyện Sông Hinh được Trung ương phân bổ 96 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719.
Việc phân bổ nguồn vốn được bố trí giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS và miền núi, ưu tiên cho địa bàn đặc biệt khó khăn. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng và quy hoạch bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư phù hợp với cảnh quan địa hình khu vực và đặc điểm kiến trúc của đồng bào DTTS. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững phát huy tiềm năng, thế mạnh của các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống. Đặc biệt, chú trọng phát triển kinh tế, xã hội cho nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2024, tỉnh Phú Yên tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG 1719; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư tập trung, tránh dàn trải, nợ đọng.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Phú Yên có 23 xã, trong đó có 12 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 10 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 70 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc. |