Đại biểu Quốc hội nêu lý do Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 'không dám tự chủ'
Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức bỏ hoang, lãng phí đến bao giờ? Bỏ hoang cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức: Trách nhiệm thuộc về ai? |
Sáng 5/11, tiếp tục chương trình của Kỳ họp Quốc hội, Quốc hội thảo luận về tình hình ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, thời gian qua, đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho phát triển, tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao lại chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế...
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cương cho rằng, đầu tư cho y tế và giáo dục còn mờ nhạt - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Ông Cường dẫn chứng, theo số liệu về đầu tư phát triển ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương theo từng lĩnh vực thì thấy rất rõ: Năm 2024, trong số vốn 120.000 tỷ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1.200 tỷ đồng (chiếm 1%); Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân bổ 1.500 tỷ đồng (chiếm 1,2%).
Năm 2025, tổng ngân sách là 148.000 tỷ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ 5.700 tỷ đồng (chiếm 3,7%); Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân bổ 2,9 tỷ đồng (chiếm 1,9%). Tuy nhiên, trong phương án phân bổ dự phòng ngân sách 2021-2025; tăng nguồn thu của năm 2022, tổng số vốn khoảng 50.000 tỷ đồng thì cả 2 lĩnh vực giáo dục và y tế không thấy có tên trong các chương trình đầu tư.
"Với mức phân bổ vốn đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục thấp như thế thì đương nhiên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sao có vốn đầu tư phát triển.
Chúng ta đang nói rất nhiều đến việc thúc đẩy các trường đại học và các bệnh viện phải thực hiện cơ chế tự chủ. Nhưng nếu chỉ thúc ép thực hiện tự chủ mà không có đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu thì hậu quá sẽ thế nào", đại biểu phân tích.
Đại biểu cũng chỉ ra nguyên nhân các bệnh viện lớn ở Trung ương không dám nhận thực hiện tự chủ. Bởi nếu tự chủ thì trong chí phí dịch vụ sẽ cộng thêm các khoản chi không đúng trong cấu thành chi phí y tế. Tức chi phí không chỉ bao gồm các chi phí cho dịch vụ khám chữa bệnh mà phải cộng thêm lãi ngân hàng, đây là khoản để đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng.
"Nếu phải cộng thêm vào đó chi phí lãi suất vốn vay 11% nữa thì giá dịch vụ y tế sẽ đội lên rất cao. Điều vô lý là người bệnh đáng ra chỉ phải trả cho chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, thì bây giờ lại phải đi trả thêm một khoản nữa là lãi vay ngân hàng.
Đây là lý do, vì sao các bệnh viện lớn ở Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, không dám nhận thực hiện tự chủ. Thà rằng cứ để cho người bệnh chen chúc, nằm giường ghép, nằm cả trên cáng dưới nền nhà, còn hơn là phải đi vay vốn đầu tư xây dựng, để rồi trong chi phí người bệnh phải trả, không chỉ bao gồm các chi phí cho dịch vụ khám chữa bệnh mà phải cộng thêm lãi ngân hàng", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Nhân viên tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn người dân thăm khám - Ảnh: Mai Thanh |
Điều tương tự cũng xảy ra đối với các trường đại học tự chủ. Nếu được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu đầy đủ, các trường chỉ phải lo khấu hao để tái đầu tư và chi thường xuyên thì chi phí đào tạo mới thấp.
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, khu ký túc xá hiện nay xuống cấp, nếu trường tự đi vay vốn ngân hàng về xây lại thì chắc chắn giá thuê sẽ rất cao vì phải trả cả lãi vay và vốn, điều này sẽ không phù hợp với khả năng thanh toán của người học. Đây cũng là lý do vì sao các trường đại học tự chủ có mức học phí rất cao, bởi vì rất có thể trong học phí đó có cả tiền lãi suất ngân hàng và tiền vốn đầu tư ban đầu.
Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho y tế và giáo dục ít nhất phải đủ để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, sau đó giao cho các bệnh viện tự chủ, tự lo khấu hao thường xuyên. Có như vậy, các cơ sở y tế, giáo dục mới thực hiện tự chủ đúng nghĩa, người bệnh và người học không phải gánh chịu những chi phí cao.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu tập trung 5-10 năm, dành 5 - 10% tổng mức đầu tư cho phát triển y tế giáo dục, Việt Nam sẽ có hệ thống giáo dục, y tế sẽ khang trang, người hưởng lợi là nhân dân.
"Đầu tư trong lĩnh vực nào cũng cấp bách nhưng nếu điều chỉnh một chút cho y tế, giáo dục, đào tạo thì hàng chục triệu người học, triệu người bệnh sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, chi phí hợp lý. Mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển đất nước bền vững", ông Cường nói.