Sóc Trăng: Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc
Bộ Công Thương triển khai các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng hành tím trên địa bàn Sóc Trăng Sóc Trăng: Tìm thị trường riêng cho sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc |
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 128 ấp đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được triển khai kịp thời và đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trong hơn 2 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719), đời sống của đồng bào đã cải thiện rõ rệt. Hiện nay, các huyện: Trần Đề, Long Phú, Mỹ Tú… đang khẩn trương thực hiện giải ngân vốn đầu tư của chương trình.
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở huyện Long Phú (Ảnh: H.Nguyên) |
Trần Đề là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 53% dân số) với 10 xã, thị trấn có người dân tộc thiểu số được thụ hưởng Chương trình MTQG 1719. Hiện huyện Trần Đề có hơn 200 hộ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ Chương trình MTQG 1719. Năm 2023, dự kiến khoảng 60 căn nhà được xây dựng hoàn thành.
Thời gian qua, Phòng Dân tộc đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện thẩm định danh sách các hộ được thụ hưởng, khảo sát thực tế để đảm bảo các hộ nghèo được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các địa phương nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương một cách thực chất, thực tế.
Huyện Long Phú có gần 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, huyện Long Phú đã triển khai xây dựng được 49 căn nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo.
Đối với Tiểu dự án 1 của Dự án 4 là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2022, huyện đã giải ngân thực hiện 8 công trình giao thông nông thôn với kinh phí hơn 5,9 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay đã giải ngân hơn 7,3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 9 công trình giao thông thiết yếu ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở ấp đặc biệt khó khăn, huyện Long Phú cũng chú trọng triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ sinh kế để bà con nâng cao mức sống, tạo sức bật, động lực phát triển kinh tế.
Kết quả cho thấy, từ nguồn vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 đã giúp các ấp, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Long Phú từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Long Phú sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 bảo đảm đúng quy trình, thủ tục và tiến độ giải ngân theo kế hoạch đề ra. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Cầu giao thông nông thôn giúp ngươi dân huyện Châu Thành đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, dễ dàng (Ảnh: Văn Sỹ) |
Hay tại huyện Châu Thành là địa bàn có gần 50% dân số là người Khmer, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên 8 tỷ đồng. Năm 2023, dự kiến trên địa bàn huyện có 7 hộ được hỗ trợ đất, 111 hộ được hỗ trợ về nhà ở. Đặc biệt, có 228 hộ được quan tâm đầu tư chuyển đổi ngành nghề bằng việc hỗ trợ phương tiện chuyển đổi nghề như: Xe ép nước mía, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cắt cỏ, xe mô tô...
Trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Mỹ Tú được phân bổ nguồn vốn trên 37,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã giải ngân hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 47 hộ và xây dựng 4 công trình giao thông nông thôn. Năm nay, huyện đang triển khai xây dựng và duy tu 5 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ 48 hộ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 11 hộ và phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 1 hộ, nhà ở cho 120 hộ.
Những con đường liên thôn, liên xã được được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 ở huyện Mỹ Tú là minh chứng cho việc triển khai có hiệu quả Chương trình 1719 tại địa phương còn nhiều khó khăn này.
Năm 2023, Chương trình MTQG 1719 tỉnh Sóc Trăng có tổng kinh phí thực hiện trên 413 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 48 công trình giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình nâng cấp mạng lưới chợ, 4 công trình nước tập trung... |