Vì sao giá cà phê Việt Nam bán sang châu Á lại đắt hơn châu Âu?
Quy định chống phá rừng của EU: Áp lực giảm, giá cà phê hạ nhiệt Giá cà phê lại rơi khỏi mốc 5.000 USD/tấn |
Giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2023-2024 đạt mức kỷ lục, tuy nhiên, một hiện tượng đáng chú ý là giá bán sang các thị trường châu Á lại cao hơn đáng kể so với châu Âu. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự chênh lệch này?
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 đạt 3.792 USD/tấn. Tuy nhiên, khi phân tích theo từng thị trường, một thực tế bất ngờ là cà phê Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước châu Á lại có giá cao hơn so với khi bán sang châu Âu.
Trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam có đến 5 nước nằm ở khu vực châu Âu, đáng chú ý, giá vào các thị trường này đều thấp hơn 4.000 USD, còn vào 4 nước châu Á trên 4.000 USD/tấn.
Sự chênh lệch giá cà phê xuất khẩu sang châu Âu và châu Á phản ánh sự khác biệt về nhu cầu và yêu cầu chất lượng của từng thị trường. Ảnh: Simexco Daklak |
Cả 5 nước châu Âu là Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga và Hà Lan đều có đơn giá nhập khẩu bình quân dưới 4.000 USD/tấn. Trong đó, Đức là nước nhập khẩu cà phê Việt Nam nhiều nhất thế giới với 179.000 tấn, trị giá 607 triệu USD và giá bình quân 3.392 USD/tấn. Ý là nước nhập khẩu cà phê nhiều thứ 2 với 416 triệu USD nhưng đơn giá bình quân thấp nhất với chỉ 3.262 USD/tấn. Nước nhập cà phê Việt Nam giá cao nhất châu Âu là Tây Ban Nha với 3.915 USD/tấn, sản lượng 105.000 tấn và giá trị 412 triệu USD.
Ngược lại, các thị trường châu Á đang nổi lên là những nhà nhập khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, Philippines nhập 61.000 tấn cà phê với giá trị lên đến 270 triệu USD, đơn giá bình quân đến 4.424 USD/tấn. Trong top 10 thị trường chính (theo khối lượng), Philippines đứng thứ 7 nhưng lại là nước nhập khẩu cà phê Việt Nam với giá cao nhất. Đứng thứ 8 là Trung Quốc nhập gần 54.000 tấn, trị giá 225 triệu USD với đơn giá 4.166 USD/tấn, còn Indonesia với 53.000 tấn, trị giá 222 triệu USD, đơn giá 4.197 USD/tấn.
Ngay cả thị trường Nhật Bản, nước nhập khẩu nhiều cà phê Việt Nam nhất châu Á và đứng thứ 3 thế giới thì giá bình quân cũng cao hơn các nước châu Âu. Nhật Bản nhập 107.000 tấn cà phê với giá trị 413 triệu USD và đơn giá bình quân 3.866 USD/tấn.
Nguyên nhân chính của sự chênh lệch giá này nằm ở mục đích sử dụng cà phê của mỗi thị trường. Các nước châu Âu chủ yếu nhập khẩu cà phê nhân để chế biến và sản xuất cà phê hòa tan. Đây là một quy trình sản xuất tương đối đơn giản, không đòi hỏi nhiều về chất lượng hạt cà phê.
Còn tại châu Á, ngoài cà phê nhân, các nước châu Á còn nhập khẩu một lượng lớn cà phê chế biến và cà phê hòa tan. Những sản phẩm này có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi chất lượng hạt cà phê tốt hơn và quy trình chế biến phức tạp hơn.
Trong đó, dự báo sản lượng cà phê niên vụ mới 2024 - 2025 của Việt Nam khoảng 1,6 triệu tấn. Sản lượng cà phê Việt Nam (nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới) đang có nhiều dự báo khác nhau. Theo báo cáo của USDA, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024-2025 dự kiến khoảng 29 triệu bao, trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa.
Việc nhu cầu nội địa tăng mạnh nhưng sản lượng sản xuất thấp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung nguyên liệu xuất khẩu. Niên vụ vừa qua Việt Nam đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê và mang về kim ngạch 5,4 tỷ USD. Ngược lại Việt Nam cũng nhập khẩu cà phê cao kỷ lục gần 140.000 tấn tăng 36% so với niên vụ trước và giá trị đến 527 triệu USD, tăng 76%.
Sự chênh lệch giá cà phê xuất khẩu sang châu Âu và châu Á phản ánh sự khác biệt về nhu cầu và yêu cầu chất lượng của từng thị trường. Việt Nam cần có những chiến lược phù hợp để tận dụng tối đa cơ hội từ các thị trường tiềm năng, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành cà phê.
Giá cà phê trong nước hôm nay (5/11) giảm nhẹ 500 đồng/kg, dao động trong khoảng 105.500 – 106.000 đồng/kg. Sự sụt giảm này xuất phát từ nhiều yếu tố áp lực quốc tế và vụ thu hoạch trong nước. Tại Lâm Đồng, giá cà phê được ghi nhận ở các khu vực Di Linh, Lâm Hà và Bảo Lộc là 105.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, giá cà phê tại huyện Cư M'gar đạt mức cao nhất 106.000 đồng/kg, trong khi huyện Ea H'leo và Buôn Hồ ghi nhận ở mức 105.900 đồng/kg. Tỉnh Đắk Nông cũng có mức giá tương tự tại Gia Nghĩa là 106.000 đồng/kg, còn Đắk R'lấp là 105.900 đồng/kg. Trên thị trường quốc tế, giá cà phê Robusta và Arabica hiện tại vẫn có mức tăng nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá Robusta giao tháng 11/2024 tăng 12 USD, lên mức 4.291 USD/tấn, và giao tháng 1/2025 tăng 1 USD, đạt 4.209 USD/tấn. Cùng lúc, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 tăng 2,10 cent/lb lên mức 245,05 cent/lb, và giao tháng 3/2025 đạt 244,10 cent/lb. |