Kiên Giang: Tập trung đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Sơn La: Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng Hòa Bình: Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021 - 2025, theo kế hoạch Kiên Giang được phân bổ 314 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 273 tỷ đồng, ngân sách địa phương 41 tỷ đồng); vốn sự nghiệp 2021 - 2023 là 131 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 114 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 17 tỷ đồng). Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức cho vay về nhà ở, đất ở và chuyển đổi ngành nghề cho 61 đối tượng là hộ nghèo, với kinh phí trên 3,4 tỷ đồng.
Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Vĩnh Thuận ngày càng khởi sắc (Ảnh: An Hiếu) |
Đối với nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh đang triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở cho 31 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 383 hộ; triển khai hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 236 hộ; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 472 hộ; nâng cấp, mở rộng 14 công trình nước sinh hoạt tập trung trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện trên 74 tỷ đồng.
Trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân (Tiểu dự án 1, Dự án 3), hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang xây dựng kế hoạch trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ, với kinh phí thực hiện là 714 triệu đồng.
Đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Tiểu dự án 2, Dự án 3), kinh phí thực hiện là 4.211 triệu đồng.
Đến nay, tỉnh đã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế - mô hình chăn nuôi heo cho 4 hộ; tổ chức 1 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho 50 lượt thanh niên tham dự; 1 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh (lớp dạy nghề đan cỏ bàng) tại Giang Thành.
Trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Tiểu dự án 1, Dự án 4), được phân bổ kinh phí trên 79 tỷ đồng. Hiện nay đang lập dự án, chuẩn bị triển khai xây dựng mới, mở rộng 33 công trình tuyến đường giao thông 46.4km đường và cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 13 cầu giao thông nông thôn…
Tạo mọi điều kiện để đồng bào dân tộc phát triển kinh tế (Ảnh: Minh Thu) |
Việc triển khai kịp thời các dự án, tiểu dự án đã góp phần làm đổi thay diện mạo vùng đồng bào dân tộc nơi đây. Đơn cử như huyện Gò Quao là huyện nông thôn có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 34,6%). Thời gian qua, Gò Quao luôn quan tâm triển khai, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần giảm dần hộ nghèo, tăng hộ khá giàu; đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cải thiện và nâng cao.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Gò Quao thực hiện 6 dự án, trong đó có 4 tiểu dự án. Trong 2 năm 2022 và 2023, Gò Quao được phân bổ 11,5 tỷ đồng, đến nay các xã đang triển khai thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư giải quyết nhà ở cho 53 hộ, mỗi hộ 40 triệu đồng (đã hoàn thành và bàn giao 16 căn), giải quyết chuyển đổi nghề cho 80 hộ, hỗ trợ nước phân tán 36 hộ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho 27 hộ có nhu cầu vay vốn, giải quyết chuyển đổi nghề 209 hộ, hỗ trợ nước phân tán 105 hộ. Ngoài ra, huyện còn triển khai các dự án, mô hình trong vùng đồng bào dân tộc như dự án nuôi dê, nuôi heo, tôm lúa, 55 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, các dự án đã và đang triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giúp cho người dân có nhà ở, có vốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú dậy nghề cho con em dân tộc |
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, huyện Giồng Riềng ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Từ đầu năm đến nay, huyện Giồng Riềng phối hợp Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang và Trường Trung cấp nghề Tân Hiệp, ở huyện Tân Hiệp tổ chức được 23 lớp đào tạo nghề với 627 người tham gia; trong đó có 8 lớp nghề từ nguồn vốn Chương trình MTG 1719, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Các lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, thị trấn để đồng bào thuận tiện theo học với các ngành nghề như: Đan sản phẩm từ tre, trúc, lục bình, dây nhựa; bó chổi; tin học văn phòng… Với những giải pháp thiết thực, 9 tháng đầu năm 2023, huyện Giồng Riềng giải quyết việc làm cho gần 5.200 lao động, trong đó có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, đạt 102,9% kế hoạch.
Việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang. Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã đổi thay, bà con yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. |