Ủy ban Dân tộc:
Tập huấn thông tin đối ngoại cho cán bộ làm công tác dân tộc
Tại Kiên Giang, đối tượng được tập huấn là người có uy tín, trưởng thôn/bon và cán bộ làm công tác dân tộc tại địa phương. Ông Tào Việt Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương cho biết, Kiên Giang là 1 trong 9 tỉnh ở khu vực Tây Nam Bộ có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tỉnh cũng là địa phương đặc thù có đường biên giới bộ và biển, cần đẩy mạnh tuyên truyền công tác vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới chấp hành, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Người có uy tín, trưởng thôn/bon được tập huấn về công tác thông tin đối ngoại hàng năm |
Nội dung tập huấn bao gồm 3 chuyên đề: Thông tin về kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống chính trị và an ninh quốc phòng, môi trường vùng đồng bào DTTS; Thông tin về đời sống, văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn, tình hình bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tư tưởng văn hóa vùng biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia; Thông tin về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thông tin đối ngoại và công tác dân tộc.
Tại tỉnh Đắk Nông, lớp tập huấn được tổ chức tại huyện Cư Jút với sự tham gia của hơn 40 học viên gồm: Người có uy tín, trưởng thôn/bon của 2 xã biên giới Đắk Wil và Ea Pô; cán bộ làm công tác dân tộc của huyện Cư Jút.
Bà Phạm Thị Phước An - Phó Vụ trưởng Vụ công tác dân tộc địa phương phụ trách khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, tỉnh Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, có 7 xã biên giới thuộc 4 huyện giáp với tỉnh Muldulkiri của Vương quốc Campuchia. Tổng chiều dài đường biên giới là 141,045 km. Trong đó, huyện Cư Jút tiếp giáp với huyện Pê chơ Chênh đa, tỉnh Monđukiri, nước bạn Campuchia, có đường biên giới dài 20 km. Do vậy, trang bị cho các trưởng thôn, Người có uy tín những kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại, về công tác dân tộc; thông tin về công tác đối ngoại và công tác dân tộc ở khu vực biên giới; về cách ứng xử và xử lý các vụ việc xảy ra ở vùng biên giới... là rất cần thiết.
Các học viên tham gia lớp tập huấn tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông |
Bà Phạm Thị Phước An mong muốn các đại biểu chú ý lắng nghe, tiếp thu các kiến thức các giảng viên truyền đạt; trao đổi thông tin hai chiều để lớp tập huấn thêm sôi nổi và mang kiến thức đã được học về vận dụng thực hiện tốt hơn chức trách nhiệm vụ được giao ở địa phương, trong đó quan tâm tới tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ 2021 - 2025 ở địa phương.
Tham gia lớp tập huấn, các học viên được nghe báo cáo viên trình bày các chuyên đề gồm: Thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại và công tác dân tộc; thông tin về tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông năm 2022; thông tin về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Đắk Nông.
Ngoài ra, các học viên còn được trực tiếp đặt vấn đề và nghe lãnh đạo Vụ Công tác dân tộc địa phương cùng các báo cáo viên giải đáp những thắc mắc về một số vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khu vực biên giới, về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Xác định công tác thông tin đối ngoại góp phần đưa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến với đồng bào DTTS và miền núi, hằng năm, Ủy ban Dân tộc đều mở các lớp tập huấn ở một số tỉnh để phổ biến các kiến thức cơ bản về thông tin đối ngoại. Qua đó, các cán bộ làm công tác dân tộc, người có uy tín cập nhật thông tin mới, tình hình mới để phối hợp tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào.