Bà Rịa - Vũng Tàu: Siết quản lý hoạt động kinh doanh khám, chữa bệnh tư nhân, kinh doanh dược
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Năm của Bà Rịa – Vũng Tàu tăng Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu tại Hàn Quốc Bà Rịa – Vũng Tàu: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong thời gian qua, hệ thống y tế tư nhân đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong cộng đồng, giúp giảm tải cho các bệnh viện công lập, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người dân, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Văn bản số 15596/UBND-VP yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra của TP. Vũng Tàu làm việc với một phòng khám nhi trên địa bàn. Ảnh: Thành phố Vũng Tàu |
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Sở Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; Đảm bảo việc cấp, cấp lại: Giấy phép hành nghề; Chứng chỉ hành nghề dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo đúng quy định. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động, cơ sở hướng dẫn thực hành trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, danh sách, phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề; cơ sở hành nghề phải công khai niêm yết bảng giá dịch vụ tại cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân nắm bắt thông tin và lựa chọn.
Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với hoạt động hành nghề y, dược tư nhân; xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp khắc phục tại các cơ sở đã có hành vi vi phạm. Khi kiểm tra cần đặc biệt quan tâm kiểm tra việc thực hiện các quy chế chuyên môn; việc niêm yết giá thuốc, giá khám bệnh, chữa bệnh, nguồn gốc, xuất xứ hành hóa,...
Các lực lượng liên ngành của Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh dược. Ảnh: Báo BR-VT |
Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo, Youtube ... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố.
Đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) và tại cả các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân các thông tin về Giấy phép hành nghề; chứng chỉ hành nghề dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Kinh doanh mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với tính năng, công dụng trong hồ sơ công bố đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả trong công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động khám chữa bệnh tư nhân và kinh doanh lĩnh vực dược, vừa qua, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành kế hoạch 20556/KH-CTBRV nhằm triển khai tăng cường công tác Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh khám chữa bệnh tư nhân và kinh doanh lĩnh vực dược trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, đơn vị này yêu cầu các Chi cục Thuế địa phương giám sát chặt chẽ việc phát hành hóa đơn, sử dụng hóa đơn trong hoạt động kinh doanh của người nộp thuế, tình hình khai thuế hàng tháng/quý, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kê khai nộp thuế, phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định và các sai phạm khác phát sinh.
Tổng hợp đánh giá, phân loại đối tượng, nhận diện các hành vi, phương thức né tránh thuế để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc kê khai nộp thuế dẫn đến thất thu cho Ngân sách Nhà nước.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan để xác minh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong hoạt động khám chữa bệnh tư nhân và kinh doanh lĩnh vực dược.
Trường hợp không thực hiện việc kê khai, nộp thuế hoặc kê khai không đầy đủ số thuế phải nộp theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Theo Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc kê khai thuế đúng và đầy đủ là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ giúp các cơ sơ tuân thủ pháp luật mà còn góp phần tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh ngành y tế và dược phẩm tại Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Bởi, trong bối cảnh ngành y tế tư nhân ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống chăm sóc sức khỏe, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh khám, chữa bệnh tư nhân và kinh doanh dược phẩm đang là vấn đề được đặt ra cấp bách.
Do vậy, việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân là một trong những biện pháp quan trọng không chỉ nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh, mà còn góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn thu ngân sách nhà nước. Đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn về doanh thu nhưng cũng có tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kê khai và nộp thuế không đầy đủ.