Lỗ vượt vốn, số nợ vay nghìn tỷ của Đại Đồng Tiến liệu có đáng lo?
Bản lĩnh người kế nghiệp
Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến không phải gương mặt xa lạ trên thị trường nhựa Việt Nam. Ra đời từ một tổ hợp sản xuất nhỏ ở quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) vào năm 1983, đến nay với hơn 40 năm trong nghề, Đại Đồng Tiến đã khẳng định được tên tuổi và thiết lập vị trí hàng đầu trong giới sản xuất và kinh doanh mặt hàng nhựa.
Không nhiều người biết rằng, Đại Đồng Tiến là cơ nghiệp của cặp vợ chồng gốc Hoa là ông Trịnh Đồng và bà Trần Thị Huê. Sau nhiều năm bôn ba ngược xuôi, bằng sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ, vợ chồng doanh nhân Trịnh Đồng sau đó đã đưa Đại Đồng Tiến bước tới giai đoạn hưng thịnh, đặt nền móng phát triển vững chắc cho tương lai.
Ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc và em gái Trịnh Ngọc Hiền - Phó Tổng giám đốc Đại Đồng Tiến |
Tuy nhiên đến năm 2007, ông chủ Đại Đồng Tiến bất ngờ lâm trọng bệnh, sức khỏe không đảm bảo trong khi khối lượng công việc ngày một nhiều lên, khiến giới chủ doanh nghiệp buộc phải thực hiện chuyển giao trách nhiệm chèo lái cho thế hệ sau. Người được chọn, không ai khác là trưởng nam của ông Trịnh Đồng - ông Trịnh Chí Cường (SN 1982) khi ấy chỉ mới 25 tuổi.
Mặc dù thừa hưởng những thành quả và cơ hội nhất định từ người cha đáng kính, song khi chấp nhận vai trò điều hành của Đại Đồng Tiến, ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc đã biết sẽ cần đối diện và giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn và thách thức. Để bộ máy khổng lồ hoạt động hiệu quả và trơn tru, ông Cường đã có những chỉ đạo thiết thực và bám sát với tình hình thực tế, đặt ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung cơ cấu lại khâu sản xuất, tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc...
Nhà quản trị trẻ tuổi sau đó không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, dẫn dắt Đại Đồng Tiến ngày một phát triển mạnh mẽ, dần dần khẳng định vị thế trong lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu nhựa Việt Nam sang thị trường quốc tế. Khởi điểm từ mức doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm (2007), ông Trịnh Chí Cường đã đưa Đại Đồng Tiến lọt tốp doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ đồng vào năm 2011, cho thấy sức tăng trưởng đáng nể và vẫn đang tiếp tục giữ vững được thành quả này.
Giới truyền thông đặc biệt ấn tượng với vị lãnh đạo trẻ tuổi, nhiều bài báo phỏng vấn, ca ngợi bản lĩnh và tinh thần thép của ông Trịnh Chí Cường đồng loạt xuất hiện trên không gian mạng. Có bài viết còn ví ông Trịnh Chí Cường chính là "người dẫn đường" cho Đại Đồng Tiến, đồng nghĩa thừa nhận sự thành công của ông đã vượt qua cái bóng của người đi trước.
Vậy nhưng, đằng sau "trái ngọt" đó, ông Cường cho biết cũng phải nhận về những thách thức khi nuôi tham vọng đưa doanh nghiệp phát triển đột phá quá nhanh bằng những quyết định được dư luận cho là có phần nóng vội. "Tôi không phải một người hoàn hảo, có những lúc quyết định sai và có những cái sai lớn do ngạo mạn mà giờ phải tự trả giá", ông Trịnh Chí Cường trải lòng trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới.
Vấp ngã
Trong số những lần vấp ngã, người kế nghiệp Đại Đồng Tiến có lẽ đến giờ vẫn không quên được bài học từ quyết định đầu tư mở rộng quy mô bằng vốn vay ngân hàng nhưng chưa tính toán cẩn trọng, trong giai đoạn 2016. Khi ấy, ngành nhựa phát triển mạnh nhưng doanh thu của một doanh nghiệp nhựa dân dụng lâu đời như Đại Đồng Tiến chỉ loanh quanh đi ngang.
Điều đó hối thúc ông Trịnh Chí Cường phải đi tìm động lực tăng trưởng một cách vội vã, dẫn đến quyết định đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất và tuyển dụng nhân sự cấp tốc bằng số vốn đi vay.
Đáng tiếc, nhu cầu thị trường nội địa và toàn cầu sụt giảm đúng lúc Đại Đồng Tiến hoàn tất đầu tư nhà máy vào năm 2018. Đây cũng là thời điểm quy mô Đại Đồng Tiến đạt mốc lớn nhất trong lịch sử hoạt động với hai nhà máy tại Đồng Nai và Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh), có khoảng 2.400 lao động.
Năm 2018, quy mô Đại Đồng Tiến phình to lên mức lịch sử với gần 2.400 người lao động. |
Làn sóng hạn chế đồ nhựa để bảo vệ môi trường trên thế giới khiến Đại Đồng Tiến gặp khó khăn cùng với áp lực nợ vay lớn. Chưa dừng lại ở đó, đại dịch Covid-19 nổ ra là cú đánh bồi có thể "quật ngã" Đại Đồng Tiến bất cứ lúc nào, cho dù ông Trịnh Chí Cường vẫn kiên cường, cố gắng đưa doanh nghiệp trụ vững và vượt qua cơn khủng hoảng.
Bảng số liệu tài chính giai đoạn đầy rẫy thách thức đã không được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, những tài liệu mà Báo Công Thương tiếp cận được đã phần nào phản ánh rõ hơn tác động của hai "cơn bão" lịch sử đối với hãng nhựa này.
Lỗ vượt vốn
Năm 2017, doanh thu Đại Đồng Tiến vẫn án ngưỡng trên mốc 1.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế đã giảm xuống còn 10,9 tỷ đồng. Sang năm 2018, nợ vay tăng mạnh đẩy chi phí trả lãi vùn vụt tăng theo, cùng với quy mô người lao động cao kỷ lục khiến chi phí vận hành cũng "đội" lên trông thấy và kết cục, doanh nghiệp chính thức lỗ gần 92 tỷ đồng, bất luận doanh thu vẫn tăng trưởng lên 1.178 tỷ đồng.
So với vốn điều lệ 228 tỷ đồng, đây là con số rất đáng báo động đối với Đại Đồng Tiến. Những tưởng, ông Trịnh Chí Cường và các cộng sự sẽ cải thiện tình trạng này và có giải pháp kéo doanh nghiệp ra khỏi vòng xoáy suy thoái và nợ nần. Song, "điều kỳ diệu" đã không xảy ra mà thay vào đó Đại Đồng Tiến bắt đầu bước vào giai đoạn ngụp sâu tài chính trong khó khăn.
Từ năm 2018, Đại Đồng Tiến lâm vào tình cảnh thua lỗ báo động. |
Kết thúc năm 2018, Đại Đồng Tiến lỗ lũy kế gần 59 tỷ đồng, vô tình xóa sạch thành quả gây dựng cả hàng chục năm phía trước, "bào mòn" vốn chủ sở hữu xuống 171,3 tỷ đồng.
Hơn thế, các năm 2019 - 2022, doanh thu tiếp tục đạt trên 1.000 tỷ đồng, lần lượt là 1.193 tỷ đồng, 1.283 tỷ đồng, 1.164 tỷ đồng và 1.466 tỷ đồng; đổi lại, Đại Đồng Tiến vẫn chưa tìm thấy "phao cứu sinh", các khoản lỗ ròng tuy có giảm nhưng tương ứng nhận về là 213,9 tỷ đồng, 133,6 tỷ đồng, 111,4 tỷ đồng và 131,2 tỷ đồng (2019 - 2022).
Cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu Đại Đồng Tiến âm tới 590 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 820 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả tăng không ngừng nghỉ lên 1.320 tỷ đồng, và nguy hiểm hơn, trong số này có đến 970 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 86 tỷ đồng là nợ vay dài ngắn - tức là khoản nợ mất lãi và đa số cần tài sản bảo đảm. Khoản lỗ của họ càng chồng chất qua các năm, nói lên quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh tay của ông Trịnh Chí Cường nguy cơ dẫn tới nghịch cảnh khó đảo chiều.
Các khoản nợ cứ tăng đối lập với số vốn "hụt" càng nặng |
Cần khẳng định trong tình huống giả định không mong muốn, việc thua lỗ "trắng" vốn sẽ gây ra những rủi ro lớn cho không chỉ riêng Đại Đồng Tiến mà còn là các đối tác và chủ nợ của họ. Nên biết, tại ngày lập báo cáo tài chính năm 2022, lượng tiền mặt Đại Đồng Tiến đã cạn còn 300 triệu đồng, còn tiền gửi ngắn hạn ngân hàng cũng chỉ 15 tỷ đồng, chẳng đáng kể so với số vốn đi cả nghìn tỷ đồng.
Từ tháng 11/2018, Đại Đồng Tiến và Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Leasing) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài chính, với tài sản là các máy ép nhựa, máy đùn tạo hạt, máy trung tâm gia công đứng - gia công kim loại... Cùng với VietinBank Leasing, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chi nhánh Chợ Lớn và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - Chi nhánh Sài Gòn cũng là hai chủ nợ lớn của Đại Đồng Tiến, và là nạn nhân nếu lỡ may kịch bản xấu ập đến, khả năng chi trả của doanh nghiệp khó mà theo kịp kế hoạch đề ra.
Ho vọng và tin tưởng với quyết tâm và tài năng, người đứng đầu Đại Đồng Tiến có thể tháo gỡ, vượt khó thành công!