Quản lý rác thải nhựa bằng công cụ chính sách
Giải pháp nào cho rác thải nhựa từ hoạt động thương mại điện tử? Làm gì để minh bạch “thị trường” rác thải nhựa trong thực thi EPR? Ngành du lịch làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa? |
Công cụ chính sách, luật pháp, thể chế nhằm giảm thiểu bao bì nhựa đã được đặt ra bao trùm vòng đời sản phẩm từ khi tạo thành đến khi thải bỏ.
Mỗi người ăn 5 gam nhựa mỗi tuần
Khi nghiên cứu vật liệu nhựa, các nhà sáng chế không đặt ra mục tiêu sử dụng một lần mà là để sử dụng lâu dài.
Bao bì đóng vai trò quan trọng tạo nên khối lượng chất thải nhựa mà chúng ta sản xuất. Tuy nhiên, thời gian sử dụng chúng thường rất ngắn, từ vài phút đến vài giờ.
Ở Việt Nam, việc sử dụng nhựa hàng loạt có thể bắt đầu từ những năm 1990, sau khi thực hiện công cuộc đổi mới. Dần dần, những chiếc làn cói, rổ tre, lá chuối khô…bị loại khỏi “vật dụng” đi chợ của người dân. Thay vào đó, họ được người bán hàng “phát miễn phí” loại túi mỏng, nhẹ, bền, dai, không thấm nước, đó là túi nilon.
Tại Việt Nam, ngành nhựa có tốc độ tăng trưởng 11,6% trong giai đoạn 2012-2017. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2017, trước mức tiêu thụ ồ ạt như vậy, khối lượng chất thải ngày càng gai tăng. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thải ra hơn 80 tấn rác thải nhựa mỗi ngày.
Bao bì nhựa đã trở nên phổ biến đến độ mặt hàng nào cũng sử dụng chất liệu này và ai cung có thể tiếp cận dễ dàng. Báo cáo của IUCN, UNDP về “Hướng dẫn quốc gia về việc xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và định hình hành động” năm 2020 chỉ ra: Ngành công nghiệp bao bì đóng góp tới 70% nguồn chất thải nhựa xả xuống các dòng sông ở Việt Nam. Điều này tác động rất lớn đến kinh tế môi trường và sức khỏe của người dân.
Theo một nghiên cứu của tổ chức WWF, trung bình mỗi người ăn 5 gam nhựa mỗi tuần, tương đương với trọng lượng một chiếc thẻ tín dụng. Phần lớn lượng vi nhựa này có nguồn gốc từ nước đóng chai hoặc nước máy nhưng cũng có thể từ các loại thực phẩm như tô, cua, bia hoặc muối ăn.
Chưa dừng ở đó, các chuyên gia lo ngại với tốc độ phát triển thương mại điện tử gần 20% mỗi năm, quản lý rác thải nhựa càng trở nên cấp thiết, bởi một sản phẩm mua online có khoảng 3-5 lớp bọc bằng nhựa.
Chính sách để kiểm soát
Việt Nam thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn đối với phương thức quản lý thân thiện với môi trường trong việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh phương thức chôn lấp, đi kèm với mục tiêu rác thải sinh hoạt đô thị đến năm 2025 như sau: 90% chất thải được thu gom và xử lý với tỷ lệ chôn lấp dưới 30%; Đóng cửa từ 90 đến 95% bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt.
Đối với vấn đề túi nilon, chủ trương hành động của Chính phủ Việt Nam không phải mới xuất hiện thời gian gần đây. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582: Về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Mục tiêu của đề ản là giảm 65% khối lượng túi nilon khó pohaan hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy tại các chợ dân sinh … Đến nay, thì mục tiêu đó vẫn còn khó đạt được.
Năm 2019, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương bắt đầu có hiệu lực với hai mục tiêu cho năm 2025: Giảm 50% rác thải nhựa trên biển; 80% các điểm du lịch ven biển không còn sử dụng đồ nhựa dùng một lần và không thể phân hủy sinh học. Đối với năm 2030, giảm 75% rác thải nhựa trên biển; cấm nhựa sử dụng một lần và không phân hủy sinh học ở các điểm du lịch ven biển.
Chỉ thị số 33/ CT -TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, năm 2020, giao cho chính quyền các cấp nhiệm vụ giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần không thể phân hủy sinh học. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất, đề xuất các biện pháp loại bỏ vi nhựa trong sản xuất một số sản phẩm như mỹ phẩm hoặc phân bón, rà soát danh sách chất thải được phép nhập khẩu với mục tiêu chỉ tiếp nhận những chất thải nhựa “sạch và có giá trị tái chế cao”…
Năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường mới, ban hành khẳng định sự cần thiết phải “hạn chế, giảm thiểu, phân loại rác thải nhựa khó phân hủy sinh học”. Luật cho thấy các biện pháp cụ thể sớm được đưa ra. Kể từ thời điểm này, việc thu phí chất thải sẽ tính theo khối lượng (hoặc thể tích) chất thải rắn tạo ra. Các hộ gia đình sẽ phải phân loại rác thành 3 loại: chất thải tái chế được, chất thải thực phẩm và chất thải khác.
Nghị định 08/2022 của Chính phủ, kể từ sau năm 2030 sẽ chấm dứt sản xuất các đồ nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy hoặc các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa.
Đáng chú ý, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, đối tượng phát sinh rác thải, các doanh nghiệp có thể trực tiếp tái chế ản phẩm và bao bì hoặc chi trả cho Qũy bảo vệ môi trường của Việt Nam, sau đó sẽ sử dụng quỹ này cho các hoạt động liên quan đến tái chế.
Nhiều doanh nghiệp và thương nhân sử dụng nhiều vật liệu nhựa tới nay chưa biết tới Điều 64 của Nghị định số 08/2022 của Chính phủ. Theo quy định tại điều này, từ ngày 01/01/2026 không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân huỷ sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hoá bán ra thị trường.
Báo cáo “Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử Việt Nam 2023” của WWF cũng chỉ ra: Thời gian chỉ còn hai năm cho các doanh nghiệp và thương nhân ngừng sử dụng túi ni lông khó phân huỷ sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 5. Nếu họ không biết tới và triển khai ngay các giải pháp thay thế thì họ khó có thể dừng đột ngột loại túi nilon này.
Nhựa là gì? Nhựa là vật liệu có cấu trúc nền Polyme, chẳng hạn như polyester, slilicone hoặc thậm chí là nylon. Chất nền này được bổ sung thêm: -Chất độn: vật liệu rắn giúp giảm giá thành vật liệu hoặc làm thay đổi các đặc tính của nó. -Chất hóa dẻo làm cho vật liệu có đặc tính mềm hơn. -Phụ gia tạo cho vật liệu các đặc tính mới (bảo vệ chống thoái hóa, bôi trơn, nhuộm màu…) |