“Cuộc chiến” thương hiệu Ba Vì trong ngành sữa: BaViMilk bất ngờ doanh thu khủng, thuế thấp
“Cuộc chiến” thương hiệu Ba Vì trong ngành sữa
Nhắc đến mắm, người ta nghĩ ngay đến Phú Quốc, nhắc đến chè, cả nước liên tưởng đến Phú Yên và nhắc tới Ba Vì, người tiêu dùng nhớ về sữa. Chính vì vậy, khi sở hữu thương hiệu có “chỉ dẫn địa lý” lâu năm, doanh nghiệp sẽ nắm rất nhiều lợi thế.
Trong ngành sữa, hàng chục năm qua, thị trường chứng kiến “cuộc chiến” thầm lặng quanh thương hiệu sữa Ba Vì. Hiện tại, có nhiều đơn vị sở hữu nhãn hiệu có chứa từ Ba Vì như Công ty cổ phần sữa Núi Tản Ba Vì với sữa Núi Tản Ba Vì, Công ty cổ phần Sữa Ba Vì với sữa Ba Vì,… Bên cạnh đó, trên địa bàn Ba Vì còn có hàng chục công ty khác nhau đang kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Ba Vì.
Trong đó, Công ty cổ phần Sữa Ba Vì gây bất ngờ vì có hoạt động bán hàng tốt hơn tưởng tượng nhưng Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp lại rất khiêm tốn.
Nắm trong tay thương hiệu sữa Ba Vì, BaViMilk gây bất ngờ khi doanh thu khủng lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp rất khiêm tốn. |
Năm 2023 doanh thu khủng, lợi nhuận khiêm tốn
Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (BaViMilk) thành lập ngày 5/5/2009 tại thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội với ngành nghề chính “Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa”. Công ty có người đại diện pháp luật là ông Lê Hoàng Vinh. Ngoài ra, ông Lê Hoàng Vinh còn đại diện một đơn vị khác mang thương hiệu Ba Vì. Đó là Công ty cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì.
Tại ngày 19/10/2017, BaViMilk tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: ông Lê Hoàng Vinh (sở hữu 26,438% vốn), bà Lê Thị Ngọc Ánh (sở hữu 0,563% vốn) và bà Khuất Thị Tố Nga (sở hữu 1,313% vốn).
Sau nhiều lần tăng vốn, hiện tại, vốn điều lệ của BaViMilk đạt 160 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Công ty cổ phần sữa Ba Vì đã phát triển 2 thương hiệu sản phẩm Ba Vì và KAKA với nhiều hương vị và kiểu dáng đa dạng. Các nhóm sản phẩm chính bao gồm sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống và sữa trái cây, sữa dinh dưỡng pha sẵn, thức uống dinh dưỡng, đồ uống và các sản phẩm bánh.
Song song với việc đa dạng hóa sản phẩm, BaViMilk hoàn thiện hệ thống bán hàng. Công ty đã xây dựng hệ thống bán hàng ra nhiều tỉnh thành, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, nhờ đó nguồn thu đang có xu hướng tốt lên rất nhiều.
Trong năm 2023, BaViMilk ghi nhận 504 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 128 tỷ đồng, tương đương 34% so với năm 2022. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, BaViMilk đặt mục tiêu chỉ 16,5% cho tăng trưởng doanh thu. Có thể thấy, Sữa Ba Vì đã hoàn thành gấp đôi kỳ vọng về doanh thu.
504 tỷ đồng chưa phải điểm dừng của BaViMilk. Công ty này đặt mục tiêu từng bước chinh phục mốc ngàn tỷ đồng cho doanh thu.
Trong khi doanh thu có nhiều cải thiện, BaViMilk lại chứng kiến lợi nhuận thấp khiến hiệu quả sử dụng vốn khiêm tốn.
Cụ thể, dù tăng rất mạnh, tăng 8,7 tỷ đồng, tương đương 121% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của BaViMilk chỉ đạt 15,9 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu hồi cuối năm 2023 chỉ là 5,8%, thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Tỷ suất này hồi cuối năm 2022 thậm chí còn kém hơn khi xấp xỉ 3,8%.
Câu chuyện thuế thu nhập doanh nghiệp thấp
Như đã nêu trên, trong năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của BaViMilk tăng rất mạnh, từ 376 tỷ đồng lên 504 tỷ đồng. Trong năm 2023, biên lợi nhuận gộp của Sữa Ba Vì còn cao hơn một số công ty cùng quy mô khi đạt 20%, nhỉnh hơn một chút so với doanh nghiệp lâu năm là Hanoimilk.
Thế nhưng, BaViMilk lại mạnh tay cho chi tiêu. Trong năm 2023, để đạt được doanh thu 504 tỷ đồng, công ty dành 16,4 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp, 60,4 tỷ đồng cho chí phí bán hàng. Thế nhưng, hai chỉ tiêu này tại Hanoimilk là 12,7 tỷ đồng và 62,6 tỷ đồng nhưng Hanoimilk lại thu về con số lớn hơn rất nhiều là 704 tỷ đồng.
Vì các chi phí cao nên kết quả là tổng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của BaViMilk chỉ đạt 20 tỷ đồng, tăng so với 9 tỷ đồng của năm 2022. Kết quả là chi phí thuế thu nhập năm 2023 của công ty rất khiêm tốn, chỉ là 4,1 tỷ đồng. Con số này trong năm 2022 thậm chí còn nhỏ hơn khi chỉ đạt 1,8 tỷ đồng.