Kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng
Xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan: Tìm hiểu thói quen tiêu dùng, tránh cạnh tranh không lành mạnh Tràn lan dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong tư vấn, review ô tô |
Phát hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương - cho biết, trong năm 2023 đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ khiếu nại và chủ động phát hiện đối với 25 trường hợp có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu trong các lĩnh vực như: sữa công thức, sữa non, hàng không, dịch vụ giáo dục, mỹ thuật, vật liệu xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm nhân thọ...
Cụ thể, kết quả rà soát, giám sát cạnh tranh trên thị trường của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia năm 2023 trong lĩnh vực kinh doanh sữa non và sữa dành cho trẻ em cho thấy, trong lĩnh vực này có một số doanh nghiệp đã đăng tải thông điệp, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm có sử dụng các từ ngữ như: “số 1 Việt Nam”; “sữa trẻ em số 1 Việt Nam”; “sữa ngủ ngon số 1 Việt Nam”; “giúp bổ sung dinh dưỡng gấp 10 lần”… mà không kèm theo các thông tin về tiêu chí so sánh, tiêu chuẩn xếp hạng, không có chú thích rõ ràng; chưa nêu rõ tài liệu hợp pháp chứng minh, có thể dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp, về sản phẩm, có khả năng có dấu hiệu của hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính”, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 của Luật Cạnh tranh số 23 ngày 12/6/2018 của Quốc hội (Luật Cạnh tranh).
Từ các phân tích nêu trên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, sẽ tiếp tục ưu tiên kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa non và sữa dành cho trẻ em do đây là sản phẩm thực phẩm quan trọng, liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ em, người già, người ốm yếu, bệnh nhân.
Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy, điện lạnh, cũng đã phát hiện một số doanh nghiệp thông qua trang tin điện tử của doanh nghiệp mình đã cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm, hàng hóa do mình cung cấp, khi giới thiệu tủ lạnh “khử mùi, diệt khuẩn 99,9%”; “nhân đôi hương vị thơm ngon, thời gian lưu trữ”, máy điều hòa “tiết kiệm 60% năng lượng so với chế độ thường”; máy lọc khí “tốp 1” về độ ồn thấp, hiệu suất lọc, tiết kiệm điện năng, “hiệu suất khử formaldehyde > 99,9%”, “hiệu suất diệt vi khuẩn > 99,9%”, có “công nghệ Streamer phân hủy đến 99,9% vi khuẩn, virus, nấm mốc và các chất gây hại”… mà không kèm chú thích hoặc thông tin về tài liệu hợp pháp chứng minh, có khả năng có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.
Doanh nghiệp quảng cáo, cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm cũng vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ảnh minh họa |
Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, hiện tượng đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng khi giới thiệu về doanh nghiệp được thể hiện như: “thương hiệu số 1 về trải nghiệm khách hàng”, “công ty bảo hiểm với danh mục loại trừ ít nhất thị trường”, “mạng lưới phân phối đa dạng và rộng nhất Việt Nam”, “tập đoàn bảo hiểm số 1 tại Ý”… mà không có chú thích về tiêu chuẩn xếp hạng, nguồn tài liệu hợp pháp chứng minh, có khả năng có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), năm 2023, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã xảy ra những lùm xùm, phần lớn xoay quanh việc khách hàng nói là bị tư vấn, cung cấp thông tin sai, không đúng với những điều khoản ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Những trường hợp khách hàng có bằng chứng chứng minh bị tư vấn sai, doanh nghiệp bảo hiểm đã hủy hợp đồng và hoàn lại phí cho khách hàng, tuy nhiên với khách hàng không có bằng chứng, doanh nghiệp bảo hiểm không có cơ sở để giải quyết yêu cầu của khách hàng, dẫn đến lùm xùm kéo dài.
“Trên cơ sở xem xét, đánh giá kết quả rà soát, giám sát cạnh tranh nêu trên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia ưu tiên, tập trung nguồn lực để kiểm soát, điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực trong năm 2024” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.
Trước đó, trong các năm 2020 - 2022, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng tiếp nhận nhiều phản ánh của các bên liên quan về các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường liên quan đến thực phẩm, quảng cáo mỹ phẩm, quảng cáo thiết bị điện tử điện lạnh, kinh doanh võng xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải du lịch và đặc biệt có cả vụ việc có tính chất xuyên biên giới, tranh chấp xảy ra trên môi trường mạng…
3 đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, khái niệm “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” được quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018. Theo đó, “hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”.
“Như vậy, cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là việc doanh nghiệp không tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.
Cơ quan được Bộ Công Thương giao quản lý về cạnh tranh cũng chỉ rõ 3 đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
Thứ nhất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện, nhằm mục đích lợi nhuận.
Thứ hai, bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại, thông lệ tốt và các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh là thuật ngữ mang tính trừu tượng và khó xác định, không có những căn cứ pháp lý hoặc cấu thành pháp lý cụ thể để xác định đặc điểm này. Thế nên, cơ quan có thẩm quyền không thể sử dụng khái niệm hành vi không lành mạnh để quy kết một hành vi cụ thể của doanh nghiệp là không lành mạnh” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
Thứ ba, hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác.