Vinachem: Tìm giải pháp đưa doanh nghiệp thua lỗ thoát khỏi giám sát đặc biệt
Xuất khẩu tăng hơn 19%
Báo cáo của Vinachem cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp của tập đoàn trong năm 2017 đạt 42.198 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm và tăng 8,8% so với năm 2016; doanh thu đạt 44.971 tỷ đồng, bằng 103,3% kế hoạch năm, tăng 5%; lợi nhuận cộng hợp ước lãi đạt 47 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 524 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 257 triệu USD, tăng 19,1% so cùng kỳ năm 2016.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị, trong năm qua Vinachem đã tập trung chỉ đạo 4 đơn vị thua lỗ nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn, đưa toàn bộ các dây chuyền sản xuất ở 4 dự án gồm: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Cải tạo - mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP - Vinachem, Nhà máy DAP số 2 - Vinachem, vào hoạt động. Đặc biệt, dự án Nhà máy DAP - Vinachem đã ghi nhận mức lãi 15 tỷ đồng, đây được coi là tín hiệu đáng mừng.
Nhìn nhận kết quả kinh doanh của Vinachem năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Vinachem có 24 đơn vị thành viên, trừ 4 dự án tồn đọng còn lại 20 thành viên khác đều có lãi nhưng phải "gánh" các dự án lỗ. Chia sẻ nỗ lực vượt khó, ông Đỗ Doãn Hùng - Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc - cho biết, năm 2017 công ty đạt 98,3% kế hoạch đề ra. Sản xuất tăng, bán hàng tốt, tồn kho không có, nhưng có một số yếu tố bất lợi khiến sản xuất, kinh doanh của đơn vị không cao. Giá amoniac và urê giảm cũng khiến doanh thu của đơn vị giảm 70 tỷ đồng.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Vinachem - cho hay, trong năm qua, Vinachem phải tiếp tục hỗ trợ trả nợ vốn vay đầu tư cho dự án Đạm Ninh Bình từ nguồn vốn tự có của tập đoàn. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cả vốn lưu động cho Công ty Đạm Ninh Bình phục vụ sản xuất, kinh doanh, chạy lại máy đợt tháng 1/2017.
Tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu và thoái vốn
Để tăng tốc cho năm 2018, ông Nguyễn Gia Tường chia sẻ, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Lãnh đạo tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc đề án tái cơ cấu và thoái vốn. Riêng đối với các doanh nghiệp (DN) có kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ, cần chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể ổn định sản xuất; chủ động gắn sản xuất với thị trường để đảm bảo tồn kho nguyên vật liệu, sản phẩm ở mức hợp lý; đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh góp phần tăng hiệu quả chung của DN. "Tập đoàn sẽ thực hiện giám sát đặc biệt với các đơn vị có kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ. Yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp đồng thời với việc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ giải quyết, tháo gỡ khó khăn để DN sớm ra khỏi tình trạng giám sát đặc biệt" - ông Tường nói.
Đồng thời, Vinachem sẽ chỉ đạo các Công ty TNHH một thành viên, người đại diện phần vốn của tập đoàn tại DN khác thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn, bán bớt vốn và tái cơ cấu DN với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của tập đoàn. Riêng đối với 4 công ty đang thua lỗ sẽ thực hiện thoái hết vốn sau khi DN hết lỗ, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ đạo, Vinachem phải thực hiện tái cấu trúc bộ máy về quản lý, tài chính và quan trọng nhất phải lựa chọn được những cán bộ có năng lực bên cạnh việc tìm nguồn tài chính. "Trên cơ sở đó tập đoàn phải tiếp tục đầu tư. Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành chia sẻ khó khăn với Vinachem, chủ động xây dựng kế hoạch hành động để xử lý các vấn đề của các dự án, DN với tinh thần tích cực nhất theo đúng quy định của pháp luật" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Vinachem, sẽ xây dựng phương án và lộ trình cụ thể đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn để báo cáo Bộ Công Thương sớm nhất. |