Tạo lực đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa
420 doanh nghiệp tham dự chuỗi triển lãm ngành nhựa, cao su Mở khóa tài chính xanh cho ngành nhựa Việt Nam |
70 - 75% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu
Theo Bộ Công Thương, dù ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao, tuy nhiên vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo. Đặc biệt, ngành nhựa vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, 70 – 75% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 1 triệu tấn.
Ngành nhựa được xem là một trong những ngành công nghiệp có mức độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, ngành này đang gặp phải không ít khó khăn về nguồn nguyên liệu. Ảnh: VPA |
Đặc biệt, thiếu nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh và công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển. Doanh nghiệp không tự chủ được nguyên liệu đầu vào; chi phí cho nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành. Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.
Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho thấy, ngành nhựa có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước; trong đó, 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.
Doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã và đang sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu; trong đó, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản... Xuất khẩu sản phẩm nhựa trong 6 tháng năm 2024 tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỉ USD Mỹ, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo VPA, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam trong 5 năm vừa qua luôn đạt ở mức hai con số từ 12-15%/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng hơn 30% nhu cầu thị trường nội địa, còn lại 70% được nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện nay mỗi năm ngành nhựa cần khoảng 4,5-5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như: PE, PP, PS, PVC… chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau, trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 1 triệu tấn nguyên liệu và hóa chất, phụ gia cho nhu cầu của ngành Nhựa Việt Nam.
Tình trạng này dẫn đến việc các công ty nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Kéo theo đó là chi phí tài chính gia tăng, cộng thêm rủi ro về thay đổi tỷ giá và giá dầu thế giới. Hạn chế này là đặc điểm chung của cả ngành nhựa Việt Nam và khó có thể thay đổi trong vài năm tới.
Tăng năng lực dự án sản xuất nguyên phụ liệu tạo đà phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa
Một hạn chế khác được Bộ Công Thương đề cập tới là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% trong tổng số 2.000 doanh nghiệp nhựa) thường ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại nên các sản phẩm nhựa Việt Nam hầu hết nằm ở phân khúc tầm thấp. Chỉ có một số rất ít doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn chịu đầu tư chuyên sâu và có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, khiến sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường không lớn, đặc biệt là những sản phẩm nhựa gia dụng.
Theo VPA, nhựa là ngành công nghiệp mũi nhọn được đánh giá còn nhiều tiềm năng và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, để cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tính đến chuyện đầu tư nghiêm túc về công nghệ, đặc biệt là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường…
VPA đề xuất các cơ quan chức năng nên tạo cơ hội, tăng năng lực đầu tư vào các công ty, dự án sản xuất nguyên phụ liệu ngành nhựa. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhựa cũng nên chú trọng tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, để tránh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. “Các doanh nghiệp nhựa trong nước cần phải từng bước mở rộng nhà máy, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao… Đây được coi là một trong những giải pháp mà doanh nghiệp ngành nhựa khẳng định lợi thế của mình”- VPA nêu giải pháp vàn nhận định, với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như tại Việt Nam, Chính phủ đang xây dựng ngành công nghiệp tái chế nhựa trong nước để tạo nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh. Điều đó sẽ góp phần gia tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai.
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch VPA cũng nêu giải pháp, cụ thể cần tăng cường nghiên cứu và phát triển. Ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Về phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhựa trong nước cần phải từng bước mở rộng nhà máy, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao… Đây được coi là một trong những giải pháp mà doanh nghiệp ngành nhựa khẳng định lợi thế của mình.
Nhận thấy tiềm năng và dư địa phát triển lớn, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhựa đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ để gia tăng sản lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP An Tiến Industries (HII) cho hay, 5 năm trở lại đây, chứng kiến nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu ở cả thị trường nội địa và nước ngoài, DN đã chủ động tái cơ cấu đầu tư, trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, đơn vị vừa đầu tư thêm hệ thống máy nghiền mới, nhằm tối ưu hóa sản xuất và tăng sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dòng sản phẩm cao cấp.
Ngoài ra, không ít đơn vị hoạt động trong ngành nhựa và những ngành liên quan đã xác định phát triển bền vững là kim chỉ nam trong mọi hoạt động vận hành doanh nghiệp. Những đơn vị này, vừa tập trung đầu tư xây dựng nhà máy tái chế, vừa tích cực tham gia đóng góp sáng kiến liên quan đến "con đường sản xuất xanh".