Tỷ lệ tiết kiệm trong gói thầu tại Việt Đức 21,7%: BaViMilk 'hy sinh' lãi hay chất lượng?
Tỷ lệ tiết kiệm lên đến 21,7%
Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (BaViMilk) gây chú ý khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu rất mạnh, lên đến hơn 30% và lập kỷ lục 504 tỷ đồng trong năm 2023. Có được điều này là do BaViMilk tập trung phát triển hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh thành.
Trong năm 2024, BaViMilk đã tiếp cận một kênh bán hàng phi truyền thống khác. Đó là tham gia đấu thầu các gói thầu cung cấp sữa.
Cụ thể, trong năm 2024 và cũng là từ trước tới nay, BaViMilk đã tham gia 2 gói thầu, chưa trúng gói nào, chưa trượt gói nào. Hiện cả hai gói đều trong tình trạng Hoàn thành mở thầu, chưa chọn nhà thầu.
Gói đầu tiên mà BaViMilk tham gia diễn ra trong ngày 19/8/2024 là “Mua sữa tươi tiệt trùng chi trả chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức, người lao động làm việc tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương”. Giá gói thầu là 2.401.136.000 đồng. Giá dự thầu là 2.314.656.000 đồng. Tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu này không cao, chỉ 3,6%.
Các đối thủ của BaViMilk đều có sức cạnh tranh tốt hơn. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn có giá dự thầu là 2.284.200.000 đồng (tỷ lệ tiết kiệm 4,9%). Liên danh Nữ Việt – Nutifood có giá dự thầu 2.143.200.000 đồng (tỷ lệ tiết kiệm 10,7%).
BaViMilk đã tham gia một gói thầu tại Bệnh viện Việt Đức với tỷ lệ tiết kiệm rất lớn, lên đến 21,7%. Như vậy BaViMilk sẵn sàng “hy sinh” lãi để lấy thị phần hay “hy sinh” chất lượng để đảm bảo lãi? |
Sau khi đặt giá với tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất, tới gói thầu thứ hai diễn ra ngày 16/9/2024, BaViMilk vươn lên dẫn đầu với tỷ lệ tiết kiệm cao nhất.
Cụ thể, ngày 16/9/2024, BaViMilk tham gia gói thầu “Mua sữa tươi ít đường bồi dưỡng cho viên chức người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm độc hại năm 2024-2025” tại Bệnh viện Việt Đức. Giá gói thầu là 9.919.260.000 đồng.
Giá dự thầu của BaViMilk rất thấp, chỉ là 7.771.500.000 đồng. Như vậy, tỷ lệ tiết kiệm là 21,7%.
Các đối thủ của BaViMilk trong gói thầu này có tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn rất nhiều: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (4,6%), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn (19,1%), Công ty TNHH TH Đức Minh (17,7%).
“Hy sinh” lãi hay chất lượng?
Trong gói thầu tại Bệnh viện Việt Đức, một trong những đối thủ nổi bật của BaViMilk là Vinamilk. Dù có tuổi nghề, quy mô và uy tín vượt trội so với BaViMilk nhưng tỷ lệ tiết kiệm mà Vinamilk đưa ra chỉ là 4,6%, thấp hơn rất nhiều so với 21,7% của BaViMilk. Cần phải nhấn mạnh rằng, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk cao gấp đôi BaViMilk.
Cụ thể, trong năm 2023, Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk là 40,7%, cải thiện đáng kể so với 39,9% trong năm 2022. Những con số này tại BaViMilk chỉ là 21,2% và 19,4%.
Với biên lợi nhuận gộp chỉ trên dưới 20% nhưng BaViMilk sẵn sàng bỏ thầu với tỷ lệ lên đến 21,7%, bài toán lợi nhuận của BaViMilk khi cung cấp gói thầu này trở nên khó khăn hơn.
Liệu BaViMilk sẽ “hy sinh” lợi nhuận hay chất lượng nếu trúng gói thầu này cũng là điều Bệnh viện Việt Đức cần cân nhắc khi “chấm” thầu.
Áp lực nguồn nguyên liệu
Trên website của mình, BaViMilk cho biết công ty có nhà máy đặt tại Ba Vì, trung tâm vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm, nổi tiếng lâu đời. Nhờ vậy, công ty có lợi thế vô cùng lớn trong việc thu gom sữa tươi từ các trang trại bò sữa và tiến hành chế biến, sản xuất luôn trong ngày, rút ngắn được thời gian vận chuyển nguyên liệu và đảm bảo nguồn sữa luôn tươi, ngon.
Có thể thấy, nguồn nguyên liệu chính của BaViMilk là thu mua từ nông dân, chứ không phải phát triển trang trại. Nghĩa là BaViMilk không tự chủ được đầu vào. Đây là điều ngay cả ông lớn Vinamilk cũng gặp phải.
Trong nhiều báo cáo phân tích, điểm yếu lớn nhất của Vinamilk được chỉ ra là phần lớn nguyên liệu đều nhập khẩu từ nước ngoài. Thương hiệu chưa có khả năng tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước dù cũng đã tập trung phát triển trang trại.
Trong khi đó, BaViMilk vẫn theo chủ trương mua gom của nông dân. Chính vì vậy, tài sản cố định của công ty chủ yếu tập trung ở máy móc.
Tại ngày 31/12/2023, giá trị tài sản cố định hữu hình của BaViMilk là 184 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 188 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Trong đó, máy móc thiêt bị có giá trị lớn nhất, lên đến 157 tỷ đồng. Đứng sau là Phương tiện vận tải, truyền dẫn (10,2 tỷ đồng), Cây lâu năm, súc vật làm việc cho sản phẩm (10,1 tỷ đồng), Nhà cửa, vật kiến trúc (5,8 tỷ đồng),…
Có thể thấy, dường như BaViMilk cho muốn mạnh tay đầu tư vào trang trại, yếu tố giúp công ty ổn định hơn với nguyên liệu đầu vào.