Lào Cai: Phấn đấu sản lượng chuối xuất khẩu chính ngạch đạt 90%
Liên kết để xuất khẩu
Giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, trước đây, phần lớn chuối của Lào Cai được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khách hàng phía Trung Quốc chủ yếu là các đơn vị thu gom nhỏ lẻ, chưa có các doanh nghiệp hoặc nhà máy chế biến ký hợp đồng bao tiêu nên giá cả thường bấp bênh.
Chính vì vậy, Lào Cai đã khuyến khích bà con liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và trồng trọt. Hơn chục năm nay, nhiều hộ đồng bào trên địa bàn các xã Trịnh Tường và Cốc Mỳ đã liên kết với Công ty TNHH MTV Hoàng Bằng trồng chuối để xuất khẩu theo chu trình khép kín. Theo hình thức liên kết này, phía công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, túi ni-lông dùng bọc quả và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người dân góp đất và trồng, chăm sóc, quản lý, thu hoạch theo quy trình sản xuất của công ty, đồng thời thực hiện đúng cam kết trồng chuối trong 7 năm với công ty, doanh thu từ bán quả chuối sẽ được chia đôi sau mỗi vụ thu hoạch.
Với mô hình liên kết này, Công ty TNHH MTV Hoàng Bằng đã xây dựng được vùng chuối nguyên liệu hơn 200 ha. Từ khi vùng trồng chuối được cấp mã số và được xuất khẩu chính ngạch, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu với một số doanh nghiệp của Trung Quốc nên sản phẩm được xuất với sản lượng lớn, giá bán cao và ổn định hơn.
Xây dựng vùng sản xuất chuối theo hướng VietGAP |
Tại các địa phương có vùng nguyên liệu chuối được cấp mã số như huyện Bảo Thắng, huyện Mường Khương và thành phố Lào Cai, tình hình xuất khẩu chuối diễn ra thuận lợi, giúp hàng nghìn hộ nông dân có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để có “tấm vé thông hành” xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đòi hỏi quả chuối không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn cần có lai lịch rõ ràng - đó là mã số vùng trồng.
Nhận thức rõ mã số vùng trồng có vai trò then chốt để nông sản đủ điều kiện xuất ngoại bằng con đường chính ngạch, địa phương đã hỗ trợ bà con thay đổi kỹ thuật sản xuất, đáp ứng những tiêu chí để được cấp mã số vùng trồng. Trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ đồng bào về kiến thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có ghi chép nhật ký, đáp ứng các tiêu chuẩn để xin cấp mã số vùng trồng.
Hình thành vùng trồng chuối tập trung
Đến nay, Lào Cai đã hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất đối với 5 loại cây trồng lợi thế. Trong đó, vùng trồng chuối với tổng diện tích đạt 3.332 ha, tập trung chủ yếu tại Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn.
Hiện có 215 ha chuối đạt tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ diện tích trồng chuối được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch; đã cấp 16 mã số vùng trồng và 7 cơ sở đóng gói xuất khẩu. Khoảng 90% sản lượng chuối được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sản lượng còn lại một phần xuất khẩu sang Nga và nội tiêu tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Năm 2022, tỉnh Lào Cai có kế hoạch trồng mới 430 ha chuối các loại. Phấn đấu đến năm 2025 duy trì ổn định vùng chuối hàng hóa 3.500 ha tại huyện Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Thắng; xây dựng vùng sản xuất chuối theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao 100% diện tích chuối được cấp mã vùng trồng; mục tiêu nâng năng suất tăng 10 - 15%, giá trị sản phẩm tăng 15 - 20% so với năm 2020. Đến năm 2025, phấn đấu trên 90% sản lượng chuối của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm chuối tại huyện Mường Khương.
Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo bền vững, Lào Cai đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thay thế các cây trồng cho năng suất, sản lượng thấp, trong đó cây chuối là một trong những cây trồng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. |