Cà Mau: Phát huy lợi thế địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP
Điển hình là các sản phẩm: Cá khô bổi, ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu, gạo, chuối sấy… và các sản phẩm làm từ tôm như: Bánh phồng tôm, tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ… Trong đó, 2 đặc sản của tỉnh Cà Mau được chọn vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 - 2022) là khô cá sặc U Minh và ba khía Rạch Gốc.
Nếu như năm 2020 tỉnh Cà Mau chỉ có 33 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng thứ 34/63 tỉnh, thành trên cả nước và đứng thứ 05/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì đến đầu năm 2022, Cà Mau đã có được 77 sản phẩm OCOP được công nhận (từ 03 đến 04 sao), xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trên cả nước, đứng thứ 04/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ mạnh tại thị trường ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Một số sản phẩm đã được đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị như: Big C, Co.opMart, Co.op Food… để tiêu thụ, cung cấp cho thị trường.
Sản phẩm OCOP Cà Mau mang đậm bản sắc vùng miền |
Đơn cử như sản phẩm dưa bồn bồn của Hợp tác xã bồn bồn ấp Ðông Hưng từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ tăng từ 30 – 40%. Sản phẩm đã có đầu ra ổn định và tiếp cận được với nhiều siêu thị trong cả nước. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao cho sản phẩm. Trong khi Hợp tác xã bồn bồn ấp Đông Hưng chỉ chọn một sản phẩm đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP thì Hợp tác xã Tân Phát Lợi (ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) lại chọn phương án kinh doanh đa dạng các sản phẩm. Thời gian qua, Hợp tác xã đã sản xuất và đưa thị trường rất nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng đất Cà Mau. Trong số đó, có nhiều sản phẩm đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh như: Bánh phồng hàu, tôm khô tách vỏ, muối tôm, chà bông tôm. Từ khi tham gia OCOP giá trị sản phẩm của Hợp tác xã tăng lên rất nhiều so với trước đây. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiếp tục tham gia OCOP cho các sản phẩm thế mạnh của hợp tác xã nhằm từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Toàn tỉnh Cà Mau có 9 điểm bán các loại đặc sản, sản phẩm OCOP |
Từ khi triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các ngành, các cấp trong tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng thị trường tiêu thụ để khẳng định vị thế và từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP Cà Mau. Đặc biệt, Cà Mau đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ máy móc, thiết bị, thiết kế bao bì mẫu mã, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trộ xây dựng Wesite, xúc tiến thương mại... cho các chủ thể.
Nắm bắt xu hướng của thời đại chuyển đổi số, các ngành, các cấp trong tỉnh Cà Mau đã hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 điểm bán, giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP và 15 cửa hàng tiện lợi bày bán các loại đặc sản, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh đưa vào vận hành Sàn thương mại điện tử madeincamau.com, có khoảng 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia bán trên sàn. Ngoài ra, các chủ thể còn chủ động đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Nhờ đó, các chủ thể, doanh nghiệp trong tỉnh tạo dựng thành công liên kết, mở rộng thị trường.
Thời gian tới, Cà Mau sẽ tăng cường tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố trong nước để các chủ thể có cơ hội tiếp xúc với nhiều thị trường tiềm năng và nỗ lực đưa sản phẩm OCOP tỉnh nhà xuất khẩu sang thị trường quốc tế.