An Lão (Bình Định): Khai thác cây mây dưới tán rừng cho thu nhập cao
Mùa khai thác mây thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Hàng năm, cứ đến mùa khai thác là người dân huyện miền núi An Lão lại rủ nhau lên rừng khai thác mây dưới tán những cánh rừng họ nhận khoán bảo vệ. Đây là loại cây lâm sản phụ dưới tán rừng được phép chăm sóc và khai thác nhằm tăng thêm thu nhập cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.
Đồng bào miền núi An Lão khai thác mây rừng |
Với đồng bào miền núi An Lão, mây rừng là nguyên liệu mà họ thường sử dụng trong đời sống hằng ngày. Nguyên liệu mà người làng làm gùi để vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà là sợi mây rừng. Nhà sàn muốn vững chãi cũng cần có sợi mây làm dây buộc kèo, cột. Cây mây không chỉ gắn bó với đời sống của đồng bào mà còn là nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bởi giá trị thẩm mỹ và độ bền của nó.
Theo người dân địa phương, mây thường mọc ở các khe suối, trên vách đá cheo leo nên việc khai thác rất nguy hiểm. Thông thường, để bứt được 1 - 2 sợi mây, mỗi sợi dài từ 10 - 15m, người “săn” mây phải dùng rựa phát quang bụi rậm mọc quanh bụi mây. Thân mây có gai nhọn, rất sắc nên việc bóc vỏ cũng rất gian nan. Đồng bào Bana, H’rê ở An Lão thường bứt mây bằng tay trần nên cứ đến mùa “săn” mây là bàn tay của người dân địa phương đều bị gai mây băm nát.
Mây là nguồn nguyên liệu trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ |
Theo một số người dân có thâm niên khai thác mây rừng tại huyện An Lão, bình quân mỗi ngày một người khai thác được từ 50 đến 80 kg mây. Hiện nay, tư thương mua ngay tại cửa rừng với giá 5.000 đồng/1kg thì mỗi người cũng có thêm thu nhập từ bán mây 250.000 - 400.000 đồng/người/ngày.
Trong những năm gần đây, huyện An Lão đã có chủ trương nhân rộng diện tích trồng cây mây dưới tán rừng nhằm hỗ trợ các hộ đồng bào tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương. Ngoài nhận khoán chăm sóc, bảo vệ những diện tích rừng có mây tự nhiên, bà con được huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/hộ. Khi mây đến tuổi khai thác, người dân nhận khoán được hưởng lợi 100% từ nguồn “lộc rừng” này.
Thực hiện khoanh nuôi, tái sinh mây, huyện An Lão đã cử các đơn vị chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương khảo sát, khoanh vùng những khu rừng có mây tự nhiên, lên phương án giao khoán diện tích rừng cho các hộ dân sống cạnh rừng để họ bảo vệ.
Đồng thời, phát triển một số mô hình cây dược liệu dưới tán rừng. Tại xã An Vinh, đồng bào dân tộc đang phát triển cây sâm đá và cây sa nhân. Tại xã An Toàn đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chè dây với Công ty Dược và trang thiết bị y tế Bình Định. Chuỗi liên kết này nằm trong khuôn khổ dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án và của tỉnh, huyện cũng trích ngân sách 200 triệu đồng để xây dựng chuỗi liên kết.
An Lão là vùng đất có tiềm năng phát triển cây dược liệu, đặc biệt là xã vùng cao An Toàn, nơi còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh. Hiện các loại cây dược liệu: Đương quy, chè dây, cà gai leo, thìa canh, hà thủ ô đỏ, ba kích … trồng dưới tán rừng của đồng bào Bana ở xã An Toàn đang phát triển tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc.