Sơn La: Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc
Sơn La: Tiêu thụ nông sản thuận lợi nhờ liên kết chuỗi Sông Mã (Sơn La): Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nông sản |
Đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiểu dự án thành phần
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao và những chương trình, kế hoạch triển khai kịp thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được một số kết quả bước đầu.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Sơn La đang đổi thay từng ngày (Ảnh: Mùa Xuân) |
Việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình MTQG 1719 đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành kế hoạch năm. Cụ thể:
Đối với Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tỉnh đã hỗ trợ bảo vệ rừng đối với 34.881 ha rừng quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình; hỗ trợ 29.062 ha trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ.
Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, Sơn La đã thực hiện đầu tư xây dựng 351 công trình (năm 2022 và 2023 đã khởi công xây dựng 88 công trình). Kết quả giải ngân đến ngày 30/6/2023 được 193.921 triệu đồng, đạt 30,23% kế hoạch vốn giao. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao.
Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã tổ chức thực hiện các nội dung: Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS; khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch đối với 06 lễ hội; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận dối với 34 nghệ nhân; tổ chức 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ hoạt động cho 60 đội văn nghệ truyền thống tại các bản vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS; đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đối với 02 dự án; chống xuống cấp di tich đối với 05 dự án; hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo 40 nhà văn hóa bản; hỗ trợ trang thiết bị cho 247 nhà văn hóa bản.
Nhà văn hoá cộng đồng dân tộc La Ha tại xã Liệp Tè (Ảnh: Trấn Long) |
Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Đây là dự án tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm chỉ đạo và quyết tâm thực hiện. Theo đó, đã thực hiện đầu tư xây dựng 84 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, sửa chữa các công trình trên địa bàn các bản có người DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung, hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào trên địa bàn 03 huyện: Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai. Tổ chức tập huấn về pháp luật hôn nhân và gia đình, tuyên truyền, vận động ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được 38 hội nghị với 14.409 lượt người tham gia; hỗ trợ 45 cơ sở y tế cơ sở (TTYT huyện, Trạm y tế xã) triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân, lồng ghép tuyên truyền vận động các em ở lứa tuổi vị thành niên hiểu về sức khỏe sinh sản và không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống...
Mỗi địa phương một cách làm
Sốp Cộp là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, có 8 xã, 106 bản, 2 điểm dân cư; trong đó, có 85 bản và điểm dân cư đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Sốp Cộp được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến nay, huyện hỗ trợ cho 44 hộ mua téc, bồn chứa nước; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc rụng, rừng phòng hộ. Gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...
Đặc biệt, huyện đã vận động đồng bào dân tộc phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hợp tác xã, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch. Tại các xã vùng thấp như: Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang tập trung trồng cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô. Các xã vùng cao hoặc các xã có khí hậu mát mẻ, như: Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Lạn trồng sa nhân, quế, gừng... Huyện cũng xác định, đưa cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng.
Là huyện miền núi nghèo, Quỳnh Nhai quyết tâm thực hiện nội dung “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi” tại địa phương với tổng mức đầu tư, giá trị các khoản mục chi phí là 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, Chương trình MTQG 1719.
Chợ phiên – nơi đồng bào DTTS và miền núi mua bán, giao thương hàng hóa (Ảnh: T.H) |
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây mới 01 chợ tại Xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của nhân dân trong xã; hoàn thiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại của xã Mường Sại, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã Mường Sại đạt xã nông thôn mới và huyện Quỳnh Nhai đạt huyện chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Dự án được triển khai từ năm 2022 - 2024, tổng số vốn phân bổ là trên 1,2 tỷ đồng (năm 2022 phân bổ 885 triệu đồng, năm 2023 phân bổ 349 triệu đồng), tỉ lệ giải ngân đạt 100%.
Để đẩy mạnh thực hiện nội dung “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi” tại địa phương giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, huyện Quỳnh Nhai phấn đấu thực hiện đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng chợ đúng quy hoạch. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển chợ trên địa bàn huyện để thu hút nguồn lực xã hội khác ngoài ngân sách tham gia đầu tư kinh doanh chợ, cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các chợ đã có để đảm bảo các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất và hạ tầng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tích cực giới thiệu nông sản, đặc sản của địa phương qua các hội chợ, triển lãm (Ảnh: Thúy Hồng) |
Tại huyện Phù Yên, triển khai thực hiện tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư bản, hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện giao Ban Quản lý Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững huyện hỗ trợ 5,2 tỷ đồng để trồng mới trên 140 ha rừng sản xuất; hỗ trợ 312 chủ rừng là các hộ gia đình, cộng đồng bản bảo vệ trên 8.280 ha rừng của 9 xã.
Ngoài ra, huyện Phù Yên hỗ trợ 425 hộ dân mua thiết bị chứa nước sinh hoạt; xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt các bản: Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; bản Đồng Mã, xã Tân Phong; bản Thượng Lang, xã Mường Lang và bản Khe Lành, xã Mường Thải; 56 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 69 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; sắp xếp dân cư cho 40 hộ của bản Suối Thịnh, xã Suối Bau và bản Khoai Lang, xã Mường Thải.
Sơn La đang nỗ lực đề ra các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719 nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của các huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống của đồng bào và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. |