Huyện A Lưới: Tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số
A Lưới là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm cách TP. Huế khoảng 70km và có đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào. Toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó, có 5 dân tộc chính: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh... Mỗi dân tộc có một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đặc trưng riêng tạo nên bẳn sắc cho vùng đất này.
Sau thời gian xây dựng, Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được đưa vào hoạt động. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
UBND huyện A Lưới thông tin, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 8/10/2021 về "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2023 tầm nhìn đến năm 2030" của Huyện ủy A Lưới, đến nay, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện đạt nhiều kết quả tích cực, rất đáng được ghi nhận.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 150 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó, đã khôi phục được 20 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi; 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu; 1 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô. Đã xây dựng Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, Trung tâm Thông tin du lịch cấp huyện, 3 trung tâm trưng bày hiện vật văn hóa và hiện vật chiến tranh. Đã phục dựng được 3 khu nhà Piing truyền thống của dân tộc Pa Cô và 1 khu nhà Piing truyền thống dân tộc của dân tộc Cơ Tu…
Đặc biệt, địa phương đã xây dựng và đưa vào hoạt động Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, đáp ứng được mong mỏi về một "ngôi nhà chung" để bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, là "cầu nối" gắn bó cộng đồng dân cư.
Bảo tồn và trình diễn các nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc A Lưới. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Ngoài ra, huyện A Lưới cũng đã khôi phục, bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết trang trí nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu tại xã Hồng Hạ. Hình thành thêm 3 Làng Văn hóa du lịch gồm: Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Lin, xã Trung Sơn; Làng du lịch cộng đồng A Roàng 2, xã A Roàng; Hợp tác xã (HTX) du lịch Hồng Hạ, xã Hồng Hạ; khôi phục được 5 làng nghề truyền thống, 5 hợp tác xã và 1 tổ hợp dệt Dèng. Xây dựng 3 mô hình trải nghiệm: Tìm hiểu nghề dệt Dèng dân tộc Tà Ôi, nghề gốm, nghề đan lát…
Xây dựng được Đề án sưu tầm hiện vật phục vụ trưng bày tại Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được huyện A Lưới quan tâm đầu tư, xây dựng trong thời gian qua đã đóng góp không nhỏ vào việc thay đổi bộ mặt chung của địa phương.
Song song đó, nhiều nghi thức, lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn đã được địa phương quan tâm nghiên cứu phục hồi, tái hiện ở nhiều hoạt động. Có thể kể đến như: Lễ hội Tâc Ka Coong; lễ hội Koal; lễ hội Ân Ninh; nghi thức A Pier; lễ hội A Riêu Car; lồng ghép Lễ hội A Da truyền thống trong dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức Đêm hội A Da Koonh, tục Đi sim (Pộc Xu); nghệ thuật tắm tiên tại làng du lịch công đồng sinh thái A Nôr; lễ hội mừng nhà mới - A Riêu Ngọi Đung; nghi thức cúng dâng Dèng…
Bên cạnh đó, huyện A Lưới đã chỉ đạo UBND xã Trung Sơn, xã Hồng Kim, xã Hồng Thượng về việc tổ chức Lễ hội A Riêu Piing các dòng họ đảm bảo đúng phong tục tập quán, không mê tín dị đoan. Tham gia triển lãm, thao diễn nghề dệt Dèng tại sự kiện "Một số dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam và nghề thủ công truyền thống Huế"….
Triển lãm, giới thiệu về nghề dệt Dèng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Về văn học nghệ thuật, địa phương đã mở các lớp học chữ viết, tiếng nói của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, biên soạn các câu ca dao, tục ngữ, câu đố; 123 món ẩm thực của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; sưu tầm các dòng họ, địa danh, tên sông, tên làng, lễ hội… Hiện nay đang biên tập, in ấn, phát hành 25 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới; các lễ hội truyền thống của dân tộc; sự tích các dòng họ; sự tích các địa danh bằng 2 ngôn ngữ.
Văn hóa ẩm thực hiện nay đang được người dân địa phương bảo tồn và phát huy trong các dịp lễ, tết như: lễ hội A Riêu A Da, A Riêu Piing, A Riêu Car, lễ cưới và giới thiệu, phục vụ thực khách tại các điểm du lịch, homestay, các nhà hàng trên địa bàn huyện. Đồng thời giới thiệu quảng bá tại các cuộc Liên hoan ẩm thực do huyện, tỉnh và trung ương tổ chức. Đã phát hành quyển "Cẩm nang 100 món ăn truyền thống nơi miền cao A Lưới"…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện huyện A Lưới - cho biết, có thể thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 NQ/HU, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã được cán bộ và nhân dân huyện A Lưới đồng tình hưởng ứng, thể hiện rõ giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc ở nhiều lĩnh vực. Việc bảo tồn văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch cũng được kết hợp hài hòa. Từ đó, đã từng bước xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người A Lưới đến với du khách trong và ngoài nước.
“Phát huy bản sắc văn hóa riêng có của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới gắn với phương châm: Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" - Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhấn mạnh.