Sơn La: Tiêu thụ nông sản thuận lợi nhờ liên kết chuỗi
Nhiều nông sản đặc sắc của Sơn La ra mắt người dân thủ đô Mận hậu Sơn La được trở thành suất ăn của Vietnam Airlines |
Xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Để xóa đói, giảm nghèo, huyện Thuận Châu đã triển khai hỗ trợ người dân chuyển đổi một phần diện tích đất dốc trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng xoài.
Với mục tiêu hình thành chuỗi liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học, huyện Thuận Châu đã vận động người trồng xoài tham gia các hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, tạo thuận lợi trong quá trình chăm sóc cũng như tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu.
Ngày hội Xoài Yên Châu 2023 là dịp để các địa phương giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản (Ảnh: Diệp Hương) |
Đơn cử như Hợp tác xã nông nghiệp bản Bon (HTX) hiện có gần 80 thành viên tham gia. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, HTX đã khảo sát, lựa chọn địa điểm, triển khai trồng hơn 100ha xoài tượng da xanh; trong đó, nhà nước hỗ trợ 70% tiền mua cây giống. Các hộ tham gia HTX được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tỉa hoa, bọc quả bằng túi giấy sinh học. HTX thường xuyên nhắc nhở các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc an toàn theo đúng hướng dẫn. Sau khi được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP và cấp mã cấp mã số vùng trồng, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Khánh Thìn trong việc chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm xoài. Nhờ đó, xoài thu hoạch đến đâu được công ty thu mua đến đó, giá cả ổn định.
Đại diện HTX nông nghiệp bản Bon cho biết, hiện nay, đối với các hộ dân và HTX đã liên kết với doanh nghiệp, việc thu mua, bao tiêu sản phẩm được thực hiện ngay tại vườn. Xoài sau khi thu hoạch được công ty cử công nhân tới tận nơi phân loại, đóng gói bước một. Sau khi vận chuyển tới nhà kho, xoài sẽ tiếp tục được phân loại, đóng gói bước 2 trước khi vận chuyển, xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm nay, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Khánh Thìn đã ký kết hợp đồng với đối tác Trung Quốc thu mua, xuất khẩu trên 1.000 tấn xoài tượng da xanh. Dự kiến, sản lượng thu mua xoài sẽ tăng trong các năm tiếp theo khi công ty tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết ra nhiều vùng trồng xoài trên địa bàn các huyện khác tại Sơn La.
Đồng bào dân tộc xã Yên Châu bao trái xoài xuất khẩu (Ảnh: Lê Hạnh) |
HTX nông nghiệp Mường Bú huyện Mường La cũng là HTX phát huy hiệu quả mô hình liên kết. Hiện HTX có 12 thành viên, quy mô sản xuất 58ha xoài, nhãn ghép, táo đại, ổi. Toàn bộ diện tích được sản xuất theo chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, HTX đã được hỗ trợ mua cây giống, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức về sản xuất an toàn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ tem nhãn, bao bì phục vụ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, mỗi vụ HTX thu được hơn 500 tấn quả nhãn, xoài, táo, mít, ổi, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng. Những năm qua, HTX đã xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc; sử dụng phương pháp bao quả để đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhằm phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng được hơn 260 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. 281 mã số vùng trồng đã được cấp phục vụ xuất khẩu qua các thị trường như: Australia, NewZealand, Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra, sản phẩm hoa quả còn phục vụ cho các nhà máy, cơ sở chế biến quả trong tỉnh: Nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH…
Thu hoạch nhãn Sông Mã (Ảnh: Thu Thùy) |
Nhằm nâng cao hiệu quả các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư mới cho 4 dự án; 2 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Hiện tỉnh Sơn La đã hình thành một số cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản quy mô công nghiệp. Các cơ sở này đã góp phần quan trọng cho bảo quản, chế biến, tiêu thụ trên 90% sản lượng rau quả sản xuất trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản bền vững. Qua đó, giải quyết bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa cho người nông dân.
Với những bước đi vững chắc, phù hợp, các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp, HTX đã góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất, trồng trọt. Đây cũng là cầu nối đưa nông sản Sơn La mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Việt Nam gồm 12 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 11 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 83,51% dân số toàn tỉnh. |