Kinh doanh ‘chặt chém’ du khách: Đừng để được một, mất mười
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, mạng xã hội lại xôn xao với những phản ánh tiêu cực về tình trạng “chặt chém” du khách tại một số điểm du lịch nổi tiếng.
![]() |
Khách du lịch tại Nha Trang. Ảnh minh họa |
Tâm điểm chú ý là hóa đơn 2,78 triệu đồng cho hai thực khách tại làng chài ở Nha Trang, trong đó riêng món cá bò hòm nửa ký đã lên tới 1,75 triệu đồng, tương đương 3,5 triệu đồng/kg. Trước đó không lâu, cũng tại Nha Trang, một hóa đơn hơn 20 triệu đồng ở nhà hàng Aroma Beach cũng đã khiến cộng đồng mạng "dậy sóng".
Dù cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý đó là phạt chủ quán cá bò hòm hơn 20 triệu đồng, buộc Aroma hoàn tiền và xử phạt gần 100 triệu đồng. Dù đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng những tổn thất về hình ảnh, niềm tin và uy tín du lịch địa phương thì không dễ hàn gắn.
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT) cho rằng, nguyên nhân cốt lõi chính là ý thức và văn hóa trong kinh doanh của một số chủ cửa hàng, nhà hàng. Họ lợi dụng dịp vào mùa để tăng giá vô tội vạ, thiếu trách nhiệm với sự phát triển bền vững, không coi trọng việc xây dựng thương hiệu lâu dài.
Không chỉ có lỗi từ phía người bán, theo ông Quỳnh, nhiều du khách cũng chưa có thói quen tìm hiểu kỹ về giá cả dịch vụ tại điểm đến, dẫn đến việc dễ bị lợi dụng hoặc hiểu nhầm. Ví dụ, các món đặc sản như sá sùng (giá từ 6-7 triệu đồng/kg) hay ngán (50-70 nghìn đồng/con) đều có giá trị cao, khiến một đĩa nhỏ cũng có thể lên tới hàng triệu đồng. Tuy nhiên, việc không tư vấn rõ ràng, mập mờ trong thực đơn là cái sai rõ ràng từ phía đơn vị kinh doanh.
"Tình trạng “chặt chém” du khách ở Việt Nam, đặc biệt trong các dịp lễ Tết tạo hệ lụy lớn, đó là không chỉ làm mất niềm tin của du khách mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch" - theo ông Quỳnh.
Cần những biện pháp mạnh tay
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. UBND các tỉnh, thành phố cùng Sở quản lý du lịch địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ du lịch tăng cường hoạt động kích cầu, thu hút khách và nâng cao chất lượng phục vụ.
Các biện pháp đáng chú ý gồm như xử lý dứt điểm tình trạng đeo bám, chèo kéo, ăn xin gây phiền hà du khách; yêu cầu các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, không bán sai giá và áp dụng chương trình khuyến mại kích cầu.
Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá kỳ nghỉ lễ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ rõ vẫn còn hiện tượng một số cơ sở lưu trú hủy đặt phòng qua nền tảng trực tuyến hoặc tự ý tăng giá đột ngột trong dịp cao điểm, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và để lại ấn tượng không tốt cho hình ảnh du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, một điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ vì cảnh đẹp, mà còn vì sự văn minh trong ứng xử, sự tử tế trong từng dịch vụ nhỏ nhất. Do đó, nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng kinh doanh “chặt chém”, nhiều chuyên gia cho rằng xử phạt hành chính đơn thuần là chưa đủ sức răn đe mà cần những biện pháp mạnh tay hơn, chủ động hơn từ phía cơ quan quản lý và cả cộng đồng làm du lịch.
Nêu đề xuất, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào giám sát và tiếp nhận phản ánh từ du khách. Từ đó, thông tin mới được xử lý nhanh chóng, minh bạch và có phản hồi kịp thời từ cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần công khai danh tính các đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin chính thức của ngành du lịch địa phương. Đây là cách tạo áp lực từ cộng đồng, giúp sàng lọc và loại bỏ những đơn vị làm ăn thiếu trách nhiệm.
Về mặt chế tài, áp dụng các biện pháp xử lý mạnh hơn như rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động dài hạn đối với các cơ sở tái phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng, thay vì chỉ xử phạt mang tính hình thức như hiện nay. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo văn hóa kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ làm du lịch. Các chương trình tập huấn về kỹ năng phục vụ, thái độ ứng xử, trách nhiệm xã hội… sẽ góp phần hình thành môi trường kinh doanh du lịch chuẩn mực và chuyên nghiệp hơn.
Không chỉ dừng lại ở biện pháp quản lý, ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến dịch truyền thông cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của từng người dân trong việc bảo vệ hình ảnh điểm đến. Khi cộng đồng cư dân hiểu rằng họ chính là một phần của “thương hiệu du lịch” đồng nghĩa việc cư xử văn minh, tử tế sẽ trở thành lẽ tự nhiên.
Một giải pháp khác được đề xuất đó là phát triển các nền tảng đánh giá dịch vụ công khai, nơi du khách có thể chia sẻ trải nghiệm, phản hồi trung thực. Đây sẽ là kênh thông tin hữu ích giúp du khách đưa ra lựa chọn thông minh, đồng thời tạo áp lực buộc các cơ sở kinh doanh phải tự điều chỉnh, nâng cao chất lượng nếu không muốn bị đào thải.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ, du lịch Việt Nam ta có thể giảm thiểu tình trạng “chặt chém” và củng cố niềm tin của du khách, từ đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu của điểm đến. |
Tin khác

7,67 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng

Hiệu ứng từ 30/4, du lịch nội địa chờ đón ‘mùa vàng’

Du lịch sinh thái - Đánh thức tiềm năng miền sơn cước xứ Thanh

Thấy gì trước sự người Việt gia tăng du lịch nước ngoài?

Số hoá trải nghiệm, nâng tầm hình ảnh du lịch Việt Nam

Hành khách đi máy bay dịp lễ 30/4-1/5 cần lưu ý gì?

‘Địa đạo’: Một bộ phim, vạn bước chân về miền ký ức

Nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Gợi ý điểm đến vừa đẹp, vừa hợp túi tiền

Xanh hoá du lịch: Cú huých nâng tầm vị thế Việt Nam

Quảng Nam giảm giá tour đến 50% hút khách du lịch
Đọc nhiều

Du lịch sinh thái - Đánh thức tiềm năng miền sơn cước xứ Thanh

Người dân đổ xô đến trung tâm thương mại vui chơi dịp lễ 30/4-1/5

Lễ 30/4 - 1/5: Đặc sản Đà Nẵng 'hút khách'

Top món ăn sáng ngon thế giới gọi tên bún bò Huế

Động lực hút vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán Việt

Nhận định chứng khoán 9/5: Hạn chế việc mua đuổi

Nhận định chứng khoán 5/5: Thị trường khởi sắc

Nhận định chứng khoán 8/5: Cân nhắc giải ngân

Vì sao nhiều doanh nghiệp F&B thay đổi mô hình kinh doanh?
