Sông Mã (Sơn La): Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nông sản
Sơn La: Phát huy thế mạnh cây cà phê Sơn La: Tiêu thụ nông sản thuận lợi nhờ liên kết chuỗi |
Khai thác điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai, thời gian qua, huyện Sông Mã đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con lựa chọn các loại cây trồng phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên.
Dây chuyền chế biến của Doveco tại Sơn La (Ảnh: Tùng Đinh - Bảo Thắng) |
Năm 2021, Chiềng Khương là xã biên giới được huyện Sông Mã lựa chọn trồng thí điểm vùng nguyên liệu dứa Queen cung cấp cho Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, huyện đã phối hợp với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tuyên truyền về chủ trương, chính sách, lợi ích khi tham gia phát triển vùng nguyên liệu; đồng thời, hỗ trợ bà con một phần chi phí mua dứa giống và phân bón. Hội Nông dân huyện cho các hộ vay 1 tỷ đồng từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” đầu tư trồng dứa (định mức vay 20 triệu đồng/ha). Sau gần 3 năm triển khai, đến nay, toàn xã Chiềng Khương đã trồng hơn 60 ha dứa Queen.
Dự kiến, trừ chi phí mỗi ha dứa cho thu lãi từ 70 - 100 triệu đồng. Năm 2023, các hộ dân đã áp dụng kỹ thuật trồng, nhất là phủ bạt và làm cỏ nên dứa phát triển tốt, năng suất ước đạt 20 - 25 tấn/ha, cao hơn so với vụ dứa năm 2022 từ 5 - 10 tấn.
Nhằm liên kết trong tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm, 15 hộ dân xã Chiềng Khương đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Huổi Mo. HTX đi vào hoạt động đã gắn kết các hộ trồng dứa, hỗ trợ nhau trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo đảm việc bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bên cạnh việc hướng dẫn thu hoạch, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, HTX còn tập trung giúp bà con kỹ thuật chăm sóc chồi dứa để mở rộng diện tích trong thời gian tới. Việc chủ động nguồn cây giống sẽ giúp bà con giảm chi phí đầu tư ban đầu, tăng chu kỳ thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thu hoạch dứa ở Chiềng Khương (Ảnh: Nguyễn Yến) |
Với mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, năm 2022, huyện Sông Mã đã quyết định tạo vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến sản phẩm từ cây quế. Huyện đã vận dụng cơ chế đầu tư theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện hỗ trợ cho người trồng quế; khuyến khích, kêu gọi đầu tư từ khối tư nhân, các chủ rừng, các doanh nghiệp, HTX phát triển trồng quế. Năm 2022, huyện huy động vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng; nguồn vốn của các hộ, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đầu tư phát triển sản xuất quế trên 60 tỷ đồng. Đồng thời, chọn Công ty CP Sản xuất và thương mại CCP Sơn La là đơn vị triển khai liên kết với người dân để phát triển trồng quế.
Theo đó, công ty đã đầu tư ứng trước về vật tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu mua sản phẩm quế, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng quế. Sau gần 1 năm triển khai trồng, tỷ lệ cây sống đạt trên 80%, sinh trưởng và phát triển tốt. Công ty đã hình thành vườn ươm quế giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng và đang nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy thu mua các sản phẩm từ quế ngay tại địa bàn huyện để chủ động đầu ra cho bà con.
Chia sẻ về những định hướng của huyện trong phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, huyện Sông Mã thông tin: Năm 2023, toàn huyện phấn đấu trồng mới 150 ha dứa Queen, 50 ha ngô ngọt để làm vùng nguyên liệu cho Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Đối với cây quế, giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu toàn huyện trồng mới khoảng 1.500 - 3.000 ha; năm 2025, phát triển và ổn định diện tích quế khoảng 4.000 ha; đến năm 2030, phát triển diện tích quế toàn huyện khoảng 10.000 ha.
Việc khuyến khích người dân phát triển cây trồng gắn với xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đã và đang đạt được những kết quả khả quan, góp phần đưa nông nghiệp của huyện Sông Mã phát triển đa dạng, bền vững, hiệu quả. Có vùng nguyên liệu, có nhà máy thu mua sản phẩm là những nhân tố tác động trực tiếp đến tư duy, nhận thức của bà con. Đây cũng là tiền đề để địa phương mở rộng vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao đời sống vật chất của đồng bào, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng định hướng chiến lược đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện phát triển nhanh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. |