Mở rộng cơ hội kết nối giao thương quốc tế cho cà phê Tây Nguyên
Cà phê Việt nhiều cơ hội xuất khẩu khi Trung Quốc tăng nhu cầu Cà phê Việt Nam được thị trường Anh ưa chuộng Xuất khẩu tăng mạnh, cà phê Việt Nam nhiều cơ hội tại Pháp, Canada |
Xây dựng vị thế vững chắc cho cà phê
Ngày 11/3, tại TP Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023. Sự kiện nằm trong hoạt động Lễ Hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 450 đại biểu là đại diện các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng cà phê trong và ngoài nước cùng các tổ chức kinh tế.
Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023 nằm trong hoạt động Lễ Hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức |
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cà phê đang là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản của nước ta. Với vị thế là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê của nước ta đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn với giá trị kim ngạch hơn 4 tỷ USD.
Trong đó, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk đạt khoảng 813 triệu USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Với diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha, trong đất sản xuất nông nghiệp 627.000 ha chủ yếu là sản xuất cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao như: Cây cà phê, cây cao su, cây hồ tiêu… Cùng với thổ nhưỡng đất đỏ bazan màu mỡ, nằm ở độ cao trung bình 800m so với mặt nước biển đã giúp Đắk Lắk trở thành địa phương đặc biệt thích hợp với cây cà phê. Vì vậy từ lâu cây cà phê của Đắk Lắk đã trở thành cây trồng chủ lực mang tính đặc trưng của tỉnh với chất lượng đã được khẳng định, có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Ông Vũ Bá Phú Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn |
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn. Các ngành chức năng và doanh nghiệp địa phương cần phải đưa ra các giải pháp thích hợp như: Tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu, tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.
“Với những lợi thế về sản phẩm cà phê của Đắk Lắk, ngày 9/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý. Hiện tại, các Bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ đang hoàn thiện các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Vũ Bá Phú thông tin.
Việc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 tại Lễ Hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với đông đảo các doanh nghiệp cà phê, nhà phân phối trong nước và quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa người mua và người bán, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nhà nhập khẩu, cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
“Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sớm thành công trong việc tiếp tục mở rộng thị trường, thâm nhập vào chuỗi cung ứng cà phê thế giới, xây dựng vững chắc vị thế cho cà phê Buôn Ma Thuột, xứng đáng là thủ phủ của cà phê Tây Nguyên nói riêng, của Việt Nam nói chung và vươn mình trở thành điểm đến của cà phê cà phê thế giới” - ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Mở rộng cơ hội kết nối giao thương quốc tế cho cà phê Việt |
Tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đều cho rằng trong bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt, cần đề cao và luôn nhấn mạnh quan điểm chế biến sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên liệu thô. Đây chính là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương tới thị trường nội địa và quốc tế.
Được đánh giá là đơn vị kinh doanh xuất khẩu hàng đầu Việt Nam và lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) có tổng doanh số mỗi năm trên 6.000 tỷ đồng; 120.000 tấn cà phê xuất khẩu/năm, các sản phẩm công ty được chuyển đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong nhiều năm qua, đơn vị xây dựng, tiên phong triển khai chương trình cà phê bền vững, hiện có trên 80.000 tấn cà phê được chứng nhận các chứng nhận quốc tế với liên kết hơn 40.000 nông hộ.
"Simexco đã xúc tiến thương mại sản phẩm và đạt giải khắp thế giới ở trong các cuộc thi, và đến nay sản phẩm Cà phê đặc sản Việt Nam đã bán được cho nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Ý, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Úc với giá trị cao gấp 2, 3 lần so với hàng phổ thông. Tuy nhiên, việc nâng tầm giá trị kim ngạch xuất khẩu cho ngành cà phê Việt Nam từ 4 tỷ đô lên trên 10 tỷ đô vẫn là điều mà bản thân luôn khao khát hướng đến" - ông Huy chia sẻ.
Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cà phê trong và ngoài nước đã ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới |
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Liên kết toàn cầu, TP Hồ Chí Minh cho biết, sự trăn trở của nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến nông sản nói chung và cà phê nói riêng tại Đắk Lắk nhiều năm qua là làm cách nào để nông sản Đắk Lắk “cất cánh”, tuy nhiên chưa có yếu tố phát triển mang tính bền vững.
"Bộ Công Thương cũng như tỉnh Đắk Lắk cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung nghiên cứu đầu tư chế biến sâu, có sự khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng hơn để phục vụ thị trường, nhất là cà phê - thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk" - ông Luận kiến nghị,
Ông Han Tao, Tổng giám đốc Công ty Hekou Sutao Trading có trụ sở tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bày tỏ hy vọng mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là tìm hiểu thêm về các doanh nghiệp trồng cà phê và sản xuất các sản phẩm từ cà phê cũng như các vườn sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh và các nhà máy đóng gói tại Việt Nam.
Ông Hàn Đào, Tổng Giám đốc Công ty Hàn Đào, Hàn Khẩu (Trung Quốc) cho hay, công ty là đơn vị tiên phong trong nhập khẩu trái sầu riêng của Việt Nam để cung ứng nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Sản phẩm cà phê và sầu riêng Việt Nam được người dân Trung Quốc đánh giá cao, tại hội nghị này doanh nghiệp mong rằng sự hợp tác, xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh và hiệu quả hơn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cà phê trong và ngoài nước đã ký kết 10 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới. |