Cà phê Việt nhiều cơ hội xuất khẩu khi Trung Quốc tăng nhu cầu
Tiềm năng nhập khẩu lớn
Theo ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, tiềm năng NK cà phê Việt Nam của Trung Quốc còn rất lớn.
Lý giải cho nhận định này, ông Hiền phân tích: XK cà phê sang Trung Quốc năm 2018 đạt trên 109,5 triệu USD; năm 2019 đạt trên 101,4 triệu USD; năm 2020 đạt trên 95,6 triệu USD; năm 2021 đạt trên 128,4 triệu USD và 4 tháng đầu năm nay đạt trên 44,2 triệu USD. Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc luôn là thị truờng NK nhiều cà phê của Việt Nam. "Nếu năm 2018, Trung Quốc là thị trường NK cà phê lớn thứ 12 của Việt Nam thì năm 2019 đã vươn lên xếp thứ 10; năm 2020 xếp thứ 9 và năm 2021 xếp thứ 8", ông Hiền nói.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, trà vẫn đang là thức uống truyền thống của Trung Quốc, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đang có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt ở các khu vực thành phố phát triển. Tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, xã hội phát triển, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa mới của người tiêu dùng Trung Quốc cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nước này.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 – 2027. Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), cho thấy: tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%. Mặc dù Trung Quốc là nước gánh chịu hậu quả đáng kể từ đại dịch Covid-19 nhưng điều này không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng.
Thị trường cà phê của Trung Quốc có nguồn cung đa dạng từ gần 80 thị trường các nước cung cấp. Các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc gồm: Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil… Ngoài trà, cà phê, Trung Quốc còn NK nhiều loại đồ uống khác như nước hoa quả, sữa…
Chuẩn bị kỹ kế hoạch kinh doanh
Từ góc độ DN chia sẻ bí quyết chinh phục thị trường Trung Quốc, ông Lý Thanh Hải, Giám đốc Phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc (Tập đoàn Trung Nguyên Legend) cho biết, điều đầu tiên và quan trọng nhất với DN nước ngoài khi có kế hoạch tham gia thị trường Trung Quốc là cần chuẩn bị tâm lý. Dù là thị trường có sức mua lớn nhưng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Thậm chí, người tiêu dùng Trung Quốc khá khắt khe trong vấn đề phải được trải nghiệm những sản phẩm mới. Vì vậy, nếu không cải tiến sản phẩm thường xuyên, DN sẽ rất khó chinh phục được người tiêu dùng, phát triển lâu dài tại thị trường này.
Yếu tố tiếp theo được ông Hải nhắc tới là DN cần xác định rõ tham gia thị trường Trung Quốc là hành trình và khoản đầu tư dài hạn, chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, nguồn lực đủ cho thời gian tối thiểu 3-5 năm. Thực tế có thương hiệu xây dựng kế hoạch 10-15 năm đầu tiên không có lợi nhuận. "Trước khi mở văn phòng tại Trung Quốc, chúng tôi mất hơn 1 năm chỉ để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực và mất 5 năm để chuẩn bị bán sản phẩm mang thương hiệu Trung Nguyên Legend tại đây", ông Lê Thanh Hải nói.
Đại diện một số DN khác kinh doanh cà phê tại thị trường Trung Quốc chia sẻ thêm: trang bị kiến thức về thị trường bản địa cũng là yếu tố cần thiết. Phương án dễ dàng nhất là thông qua hệ thống nhân sự địa phương. Đội ngũ này sẽ giúp DN tiết kiệm rất nhiều thời gian cho triển khai dự án, nhanh chóng nắm bắt thị trường, tránh sai lầm pháp lý, kết nối nhiều đối tác và đặc biệt hưởng nhiều chính sách ưu đãi của địa phương. Bên cạnh đó, khi tham gia thị trường, DN nên nhanh chóng kết nối với DN cùng ngành, cơ quan đoàn thể của quốc gia mình tại Trung Quốc như Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam. Đây là phương thức quan trọng giúp DN phát triển hệ thống kinh doanh, kết nối đối tác.
Nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn nhưng lại có tính cạnh tranh cao, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khuyến cáo: để XK đồ uống Việt Nam nói chung, mặt hàng cà phê nói riêng sang thị trường này, DN cần tích cực xúc tiến thương mại, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, các DN cũng cần tập trung đẩy mạnh việc truyền thông sản phẩm và thương hiệu của DN...
Ông Trương Tế Đông, Chủ tịch Hiệp hội Đồ uống thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) nhấn mạnh: "Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, tìm được điểm đột phá để mở rộng thị trường là vấn đề rất quan trọng cho DN nước ngoài tiếp cận thị trường đồ uống của Trung Quốc".