Thích ứng các tiêu chuẩn, tránh suy giảm lợi thế từ Hiệp định EVFTA
Thực thi Hiệp định EVFTA: Tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp Hiệp định EVFTA có những quy định như thế nào về lao động? |
Tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp chủ đề “Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập” mới đây, ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, kiêm nhiệm Luxembourg - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu nhấn mạnh: EU là đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều mặt, đặc biệt là thị trường lớn, với cơ hội ngày càng nhiều cho hàng Việt Nam xuất khẩu.
Năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021; tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường EU trong 10 tháng năm 2023 đạt 48,46 tỷ USD; Việt Nam xuất siêu sang EU 23,96 tỷ USD.
Khai thác thị trường EU, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị và đầu tư dài hơi, chủ động nâng cao năng lực. Ảnh: TTXVN |
Thông tin về thị trường EU, ông Nguyễn Văn Thảo cho biết, EU là thị trường lớn với 450 triệu dân, GDP khoảng 16.000 tỷ EUR và nhập khập ngoài khối trên 3.000 tỷ EUR với phần là các mặt hàng thiết yếu. EU đồng thời là thị trường ổn định, nhu cầu gần như không “xê dịch” ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát hay xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Hiện, Việt Nam là một trong 4 nước châu Á có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Cơ hội đặt ra với Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Thảo, hiện chúng ta là một trong 4 nước châu Á có hiệp định thương mại tự do với EU bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Đây được xem là những nền kinh tế “không cạnh tranh” với Việt Nam trong xuất khẩu vào EU.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, ông Nguyễn Văn Thảo nêu rõ: Cơ hội và thách thức lúc nào cũng đan xen, phải nhận diện cơ hội nào chung, cơ hội nào riêng và thách thức cũng như vậy để có giải pháp thích hợp.
“EU là thị trường Việt Nam có nhiều cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhất và quan hệ với các thành viên EU cũng rất tốt. Do vậy, đây là kênh thông tin tiếp cận thị trường và đối tác rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt”- ông Thảo nói.
Về thách thức, ông Nguyễn Văn Thảo lưu ý, EU là thị trường tiêu chuẩn cao, không chỉ các tiêu chuẩn hiện tại mà còn có các tiêu chuẩn mới áp dụng toàn thế giới. Luật pháp châu Âu rất phức tạp, tuy các nước luật thương mại rõ ràng nhưng khi áp dụng vẫn bị chồng chéo khiến các doanh nghiệp khó áp dụng..
Đặc biệt, ngoài tiêu chuẩn chung của EU thì 27 nước ở đây có những yêu cầu pháp lý riêng mà doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ để kiểm soát rủi ro khi xuất hàng vào các thị trường này; chi phí vận tải, chi phí logistics từ Việt Nam sang EU còn cao, giảm tính cạnh tranh của hàng Việt; xu hướng sản xuất xanh, xanh hóa thể hiện rõ ở EU với nhiều tiêu khắt khe về phát thải CO2. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không thích ứng thì các lợi thế lâu nay sẽ suy giảm đáng kể.
Gần đây, nhờ Hiệp định EVFTA, dù nhiều mặt hàng gần đây đã đáp ứng tiêu chuẩn mới của EU, nhưng theo ông Nguyên Văn Thảo vẫn không ít ngành hàng hoặc doanh nghiệp cụ thể còn lúng túng; tính ổn định chưa cao, nên chưa xuất hiện nhiều ở các siêu thị EU. Theo đó, hàng hoá dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu nên dẫn tới kết quả là nhập khẩu ngoài khối của EU lên tới 3.000 tỷ EUR nhưng giá trị xuất khẩu hàng của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm 1,7%.
Đáng lưu ý, doanh nghiệp Việt không chỉ không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng mà còn không đáp ứng được quy mô. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt nắm bắt thông tin thị trường còn hạn chế, nếu các doanh nghiệp làm ăn “sâu” với doanh nghiệp EU thì sẽ gặp nhiều rủi ro.
Chia sẻ thêm về thị trường EU, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Giám đốc May 10 - ông Thân Đức Việt cũng cho biết, trong tổng giá trị xuất khẩu 33 tỷ USD sang Mỹ, EU, Nhật Bản, EU mới chỉ chiếm 4 tỷ USD. "Đây là con số khiêm tốn trong khi quy mô thị trường thì lớn cho thấy dư địa xuất khẩu hàng dệt may sang EU còn nhiều" - ông Việt cho hay.
Trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo đó đến năm 2027, toàn bộ các dòng thuế sẽ về mức 0%. Nhưng ông Thân Đức Việt chỉ rõ, thách thức là EU luôn là thị trường tiên phong đưa ra các tiêu chuẩn hàng hóa mới. Ngoài các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn sản xuất, gần đây EU yêu cầu hàng nhập khẩu vào thị trường này phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội.
Như vậy, để đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị và đầu tư dài hơi, chủ động nâng cao năng lực. Cụ thể, đối với doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp ngành dệt may phải đổi mới công nghệ để đáp ứng thuế carbon mà EU sắp áp vào hàng hóa nhập khẩu; đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ tái chế với vật tư, nguyên liệu đầu vào; các tòa nhà, dù văn phòng hay nhà xưởng sản xuất dệt may phải đáp ứng chứng chỉ xanh.