Tận dụng các FTA ngành cà phê: Chìa khóa ‘vàng’ để doanh nghiệp Việt mở cửa xuất khẩu
Ngành cà phê đối mặt với nhiều thách thức
Hiện nay, Việt Nam đã thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tiếp tục đàm phán các FTA khác trong thời gian tới. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tận dụng hiệu quả các FTA, tăng trưởng doanh thu từ xuất khẩu lớn và ổn định, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội từ các FTA, có nhiều doanh nghiệp chưa thể tận dụng được lợi thế to lớn này vì một số lý do khách và chủ quan khác nhau.
Đối với các doanh nghiệp ngành cà phê, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc gặp phải trong quá trình tận dụng FTA. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó như: Thiếu thông tin về thị trường và quy định nước ngoài; Khó khăn tiếp cận vốn, tín dụng; Khó đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu; Chưa xây dựng được thương hiệu. Đặc biệt, là thiếu sự tư vấn, hỗ trợ về chính sách và tiếp cận thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu đạt kỳ lục, ngành cà phê vẫn đối mặt với nhiều thách thức - (Ảnh: Sutech). |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, đại diện Công ty Fresh – một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp ngành này gặp nhiều khó khăn. Từ việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, đến các chính sách thay đổi của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, các vấn đề về mở rộng thị trường xuất khẩu đi các nước cũng là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp này.
Còn bà Đinh Thị Thanh Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, ngành cà phê nói chung cũng đối mặt với các thách thức như: Các khu vực sản xuất chưa phát triển một cách bền vững, sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến suy thoái rừng, các thị trường tiêu thụ lớn có những quy định về dư lượng thuốc trừ sâu đối với cây cà phê, quá trình thu hoạch nhiều vùng còn thủ công, ngoài ra, nhà nước chưa có chính sách chỉ đạo quản lý linh hoạt đối với ngành này.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa, cước phí vận tải, chứng nhận vùng trồng, sự vắng bóng của các hợp tác xã trong nguồn cung… cũng đặt ra thách thức với ngành, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê.
Hệ sinh thái tận dụng FTA là chìa khóa “vàng” cho doanh nghiệp
Tại Toạ đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có hiệp định CPTPP trong lĩnh vực cà phê vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, “chìa khóa” để xử lý một cách toàn diện và hiệu quả những vấn đề khó khăn, thách thức đang tồn tại của các doanh nghiệp sẽ là mô hình Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA.
Các kết nối của Hệ sinh thái tận dụng các FTA ngành cà phê - (Ảnh: Vụ Chính sách thương mại Đa biên) |
Hệ sinh thái được xây dựng nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích FTA, xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác và thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. “Chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA, trong đó có 4 thành phần chính. Cụ thể bao gồm, các cơ quan quản lý Trung ương; Thứ hai là các cơ quan quản lý địa phương; Thứ ba là doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức tín dụng; cuối cùng là người nông dân trồng cà phê và các hợp tác xã”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết.
Theo ông Ngô Chung Khanh, các thành viên khi tham gia tham gia Hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ có những lợi ích nhất định. “Khi tham gia hệ sinh thái bên cung cấp nguyên phụ liệu (người nông dân) và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vay vồn từ các tổ chức tín dụng. Được tiếp cận các biện pháp hỗ trợ như tư vấn về công nghệ, môi trường, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước… Ngoài ra, bên cung cấp sẽ được bảo đảm đầu ra theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trong hệ sinh thái và được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thông tin về thị trường, kết nối khách hàng, hợp đồng…
Còn đối với khối ngân hàng, khi tham gia hệ sinh thái có thể giải ngân nguốn tín dụng hiệu quả, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn bảo đảm an toàn tài chính. Bên cạng đó, đa dạng khách hàng, thay vì tập trung vào một số nhóm khách hàng trước đây. Tăng cường kết nối, có thể mở rộng việc kết nối với các tổ chức, cơ quan địa phương và trung ương. Được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh trong và ngoài nước”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) |
Nói về những lợi ích của hệ sinh thái tận dụng FTA trong ngành cà phê, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng cho rằng, điểm mấu chốt trong hệ sinh thái là giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, liên kết, hợp tác các tác nhân trong quan hệ lợi ích hợp lý, cùng có lợi và sự điều phối của hiệp hội vững về nguyên tắc, kỷ cương và linh hoạt xử lý. “Chúng ta hy vọng việc xây dựng, thực hiện Hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành cà phê phát triển bền vững là một yêu cầu khách quan và cấp thiết”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Minh Khôi, Chuyên gia cao cấp về thương mại, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu, đánh giá cao mô hình hệ sinh thái FTA. Ông Khôi cho rằng, đây là mô hưa từng có tiền lệ trên thế giới. Điều này thể hiện sử đổi mới của Bộ Công Thương nói riêng và Việt Nam nói chung trong hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng FTA trong ngành cà phê nói riêng và các ngành khá nói chung.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan kỳ vọng, khi tham gia hệ sinh thái tận dụng các FTA, doanh nghiệp sẽ được nhiều hơn nữa về góc độ tìm kiếm các nhà cung cấp uy tín. Cùng với đó, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn và đầu tư mới, các công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, thông tin và mở rộng các thị trường, kết nối các đối tác xuất khẩu đi nước ngoài.
Ông Ngô Chung Khanh cho biết thêm, tiêu chí tham gia đối với bên cung cấp nguyên, phụ liệu, bao gồm: Đồng ý tham gia các chương trình phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu. Đồng ý kết nối doanh nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ hàng và đúng chất lượng. Có cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
Còn tiêu chí tham gia đối với doanh nghiệp, bao gồm: Có nguồn khách hàng tiềm năng, ưu tiên doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu ổn định, bền vững. Cam kết phát triển bền vững, cam kết không cạnh tranh thiếu lành mạnh. Có hệ thống nhà xưởng máy móc đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Là doanh nghiệp uy tín, tài chính ổn định
Lộ trình xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA như sau: Trong năm 2024, lấy ý kiến các chủ thể. Tháng 1/2025 sẽ sẽ tổng hợp, xây dựng dự thảo đề án. Từ tháng 2 đến tháng 3/2025, sẽ lấy ý kiến các cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội về dự thảo. Trong tháng 4/2025 sẽ tổng hợp các ý kiến, trao đổi với các tổ chức liên quan. Sau đó, dự kiến đến tháng 5/2025 sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Tiếp đến sẽ xây dựng quyết định của Thủ tướng; Xây dựng Tổ công tác vào tháng 5-6/2025. Thiết lập ban quản lý, cơ cấu tổ chức, văn phòng, nhân sự từ tháng 6 đến tháng 8/2025. Phối hợp hoạt động cấu phần quản lý và doanh nghiệp vào tháng 8/2025. Hệ sinh thái tận dụng FTA dự kiến chính thức triển khai vào tháng 9/2025. |