Tận dụng hệ sinh thái hiệp định thương mại tự do tăng xuất khẩu dệt may
EU là thị trường nhập khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam Xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng tốc những tháng cuối năm 2024 |
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng năm nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
“Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023”, ông Vũ Đức Giang nói.
Tận dụng hệ sinh thái FTA để tăng xuất khẩu hàng dệt may. Ảnh: Quang Vinh |
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.
Nhìn vào con số tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may tại các thị trường có thể nhận thấy, ngoài Hoa Kỳ, các thị trường tăng trưởng mạnh hầu hết có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Nhìn lại quá trình đàm phán các FTA, dệt may cùng da giày là một trong số đối tượng xem xét ưu tiên khi Việt Nam ký các FTA, nhất là FTA thế hệ mới. Bởi, không những đóng góp lớn cho xuất khẩu, những ngành này còn tạo nhiều việc làm, ổn định an sinh xã hội cho nhiều địa phương.
Dù vậy, dệt may đến nay vẫn được nhìn nhận chưa tận dụng triệt để ưu đãi từ các FTA. Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chỉ ra 5 vấn đề chính của ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải: Nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu.
Từ thực tế địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - Đỗ Thị Quỳnh Trâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp dệt may thành phố có giá trị xuất nhập khẩu lớn không nhiều; phần lớn xuất khẩu theo đơn hàng gia công, được chỉ định nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hoặc các nước khác không thuộc danh sách quốc gia được hưởng ưu đãi FTA thế hệ mới, chưa đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa nên chưa tận dụng được hết lợi thế từ các FTA.
Phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hay nguồn cung thiếu hụt là vấn đề lớn, có thể nói là nguyên nhân chính khiến ngành dệt may Việt Nam không đáp ứng được quy tắc xuất sứ và “ngậm ngùi” vuột mất các ưu đãi.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng chứng minh, trong tổng số 25 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu của ngành năm 2024, nhập khẩu cho xuất khẩu chiếm tới 22,22 tỷ USD, trong đó nhập khẩu vải lớn nhất với 14,8 tỷ USD, tiếp đến là nguyên phụ liệu dệt may với 4,4 tỷ USD, bông 3 tỷ USD…
Trước những hiện trạng trên, việc thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu thời trang đang được xới xáo lại nhằm hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày từng bước phát triển nguồn cung thiếu hụt, gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA, xây dựng thương hiệu thời trang trong nước.
Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA cũng đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành dệt may tận dụng FTA hiệu quả.
Những động thái này của Bộ Công Thương rất tích cực, được các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp dệt may mong muốn sớm hoàn thiện và triển khai vào thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của Bộ Công Thương, các chuyên gia cho rằng, cần có sự tham gia nghiêm túc, tương tác tích cực từ phía các doanh nghiệp - chủ thể chính hướng tới hỗ trợ của hệ sinh thái tận dụng FTA.
Trong đó, xây dựng định hướng phát triển dài hạn, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu hoặc liên kết sản xuất nguyên phụ liệu cần thiết trong lộ trình, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp.