Thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA song phương, đa phương
Động lực tăng trưởng từ các FTA
Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được cho là đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, với sự tin cậy chính trị cao.
Quan hệ giữa hai nước liên tục chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và thực chất trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.
Nhận định về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc). Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam.
11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Nhật Bản đạt 42 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Trung Nguyên |
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 45 tỷ USD, giảm 5,5% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 23,3 tỷ USD, giảm 3,75%; nhập khẩu đạt 21,6 tỷ USD, giảm 7,5% so với năm 2022.
Tính đến hết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 42 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 22,3 tỷ USD, tăng 4,9%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 19,6 tỷ USD, giảm 0,47%.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo đơn vị này, những năm qua, thương mại hai nước đã có được những động lực để thúc đẩy tăng trưởng.
Một là, động lực đến từ các hiệp định thương mại tự do cùng các khung khổ hợp tác quốc tế.
Thương mại hai nước đang được hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định thương mại tự do đa phương và cả song phương mà hai nước cùng tham gia; trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA ký kết năm 2009); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP ký kết năm 2008); Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Đáng chú ý, liên quan đến việc gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ rộng mở hơn.
Khi gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh dành mức cam kết mở cửa thị trường cho Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP, và cao hơn so với cam kết của Hiệp định UKVFTA trong một số nội dung quan trọng với Việt Nam. Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực giúp đẩy nhanh hơn nữa quan hệ thương mại - đầu tư nội khối CPTPP cũng như quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh và Việt Nam - Nhật Bản.
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh, những hiệp định thương mại tự do này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác quan trọng, trở thành trợ lực, là đòn bẩy thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Chung quan điểm, ông Nobuyuki Matsumoto - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các FTA thực sự đã mang lại “trái ngọt” cho Việt Nam, thúc đẩy thương mại mại Việt Nam - Nhật Bản; thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng, trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.
Hai là, Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản là những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại...
“Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp” - lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định.
Hàng Việt Nam ngày càng hiện diện phổ biến tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Minh |
Dù vậy, theo bà Quyền Thị Thúy Hà - Trưởng chi nhánh Thương vụ Osaka, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nên dư địa và cơ hội cho doanh nghiệp Việt còn rất lớn. Đặc biệt cơ hội đối với các ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh.
Đơn cử như ngành hàng dệt may, thông qua Hiệp định CPTPP, RCEP... ngành dệt may Việt Nam được hưởng những lợi thế nhất định về nguồn nguyên phụ liệu. Do đó, khi doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ rất thuận lợi trong vấn đề quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Tương tự dệt may, tận dụng RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác, các sản phẩm ngành điện tử, sản xuất ô tô của Việt Nam khi xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ có nhiều lợi thế hơn vì giảm được chi phí sản xuất, giá thành.
Không những vậy, dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản còn rất lớn bởi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Nhật.
Tuy nhiên, để đưa hàng nông sản, thủy sản Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nhật, Thương vụ Việt Nam tại Nhật bản cho biết, hàng xuất khẩu phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định rất chặt chẽ, khắt khe trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng và văn hóa kinh doanh của người Nhật Bản rất đặc thù. Người tiêu dùng Nhật cũng rất chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng của sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn có chỗ đứng tại thị trường Nhật cần tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản. Từ đó, đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, hai bên cần tăng cường hợp tác, mở rộng quy mô chương trình, dự án hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hướng tới tương lai.
Về hợp tác thương mại, thúc đẩy Nhật Bản xem xét, tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam vào Nhật Bản.
Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi... Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương... Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản... |