Hiệp định EVFTA có những quy định như thế nào về lao động?
Hiệp định EVFTA: Tiếp tục thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam-EU Hiệp định EVFTA có hiệu lực: EU quy định gì đối với sản phẩm gia vị nhập khẩu? |
Tại Văn kiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các cam kết về lao động nằm trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững.
Cụ thể, tại Điều 13.4 về Các Tiêu chuẩn và Thỏa thuận đa phương về lao động, Hiệp định quy định: Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt là để đáp ứng toàn cầu hóa.
Hai bên tái khẳng định cam kết của mình trong việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương một cách có lợi cho việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững cho tất cả mọi người, bao gồm với phụ nữ và thanh niên.
Mỗi bên tái khẳng định cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ theo ILO và Tuyên bố ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và những hành động tiếp theo, được thông qua bởi Hội nghị Lao động quốc tế tại Kỳ họp lần thứ 86 năm 1998.
Đồng thời, tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về các quyền cơ bản tại nơi làm việc, cụ thể: Tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em; và chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Ngoài ra, mỗi bên sẽ tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO; xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến các điều kiện trong nước...
Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết. Ảnh: TTXVN |
Theo Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, các FTA thế hệ mới nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng mà Việt Nam là thành viên đều không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, thể hiện trong 8 Công ước cơ bản.
Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA với phạm vi bao quát toàn diện mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, cùng với đó là không ít thách thức. Trong đó, việc sửa đổi pháp luật đòi hỏi nhiều thời gian, nếu không thực hiện kịp thời, ta rất dễ rơi vào tình trạng vi phạm cam kết.
Cụ thể trong vấn đề lao động, Hiệp định EVFTA đặt ra các tiêu chuẩn, quy định về lao động và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại; quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp...
Việt Nam thực thi cam kết về lao động trong Hiệp định EVFTA
Thời gian qua, nhằm thực thi cam kết lao động trong EVFTA, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Theo đó, đối với việc thực thi cam kết về lao động, mà cụ thể là các Công ước của ILO, Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992, đã phê chuẩn 7/8 Công ước cơ bản của ILO (bao gồm các Công ước số 29, 100, 111, 138, 182, 98 và 105).
Như vậy, trên thực tế ta đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình. Đặc biệt, Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 (chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2021) với các nội dung tiệm cận hơn với các công ước cơ bản của ILO.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã ban hành 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 2 Thông tư để triển khai thực hiện Bộ luật Lao động 2019. Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể chứa đựng nhiều nội dung mới, phức tạp, chưa có tiền lệ đối với hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thảo luận, cho ý kiến trước khi ban hành.
Trên cơ sở Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, kế thừa quy định về nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại địa phương, hầu hết các tỉnh, thành đều chú trọng công tác nâng cao đời sống cho người lao động, tăng cường công tác hòa giải giữa người lao động và doanh nghiệp, đôn đốc các tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh chủ động làm việc với các chủ doanh nghiệp giải quyết những nội dung kiến nghị, vướng mắc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.