Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi xanh để hàng hóa có cơ hội vào thị trường New Zealand
Mặt hàng nào Việt Nam nhập khẩu từ thị trường New Zealand tăng 1.108%? Doanh nghiệp lưu ý gì khi xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Indonesia? |
Thị trường tiêu chuẩn cao nhưng minh bạch và đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu
Tại chương trình hỗ trợ doanh nghiệp các kỹ năng xúc tiến thương mại với các thị trường RCEP do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng, bà Trần Diệu Oanh – Tham tán thương mại Việt Nam tại New Zealand đã cập nhật thông tin về thị trường New Zealand và các lưu ý để doanh nghiệp có cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường này.
Theo Tham tán thương mại Trần Diệu Oanh, New Zealand là thị trường có tiêu chuẩn cao, việc tiếp cận được thị trường New Zealand là cơ hội để khẳng định hàng hóa Việt Nam trên thế giới.
Tôm Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu được các nhà nhập khẩu tại thị trường New Zealand đặc biệt ưu chuộng |
Mặc dù tiêu chuẩn cao, nhưng quy trình nhập khẩu hàng hóa vào New Zealand rất minh bạch, đơn giản; các thủ tục quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa được công bố công khai trên cổng thông tin của các cơ quan chính phủ.
New Zealand là thị trường tuy nhỏ nhưng còn rất nhiều dư địa, do đây là thị trường phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thị phần ổn định.
New Zealand và Việt Nam cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, ví dụ như CPTPP, hay RCEP. Nhất là đối với RCEP có cơ chế ưu đãi cộng gộp về quy tắc xuất xứ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa các nước thành viên nhập khẩu vào thị trường này.
Một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế ưu đãi thuế quan từ RCEP như các mặt hàng nông sản (chanh, bưởi, xoài, chôm chôm, thanh long), thủy sản (tôm, cá basa). Ngoài ra còn có hạt điều, hàng dệt may, cà phê…
Mặc dù kinh tế New Zealand đang lạm phát cao, tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Bên cạnh các thuận lợi xuất khẩu, bà Trần Diệu Oanh cho biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn gặp các khó khăn khi nhập khẩu vào New Zealand.
Phổ biến nhất là các rào cản kỹ thuật và các tiêu chuẩn đối với các hàng hóa nhập khẩu vào New Zealand rất nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư vào quy trình sản xuất và kiểm định để đáp ứng yêu cầu. Riêng đối với nông sản, hàng tươi sống phải tuân thủ quy định về kiểm định nghiêm ngặt (kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm và hun trùng).
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi có nhu cầu xúc tiến thương mại tại New Zealand chưa nghiên cứu kĩ thông tin về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng New Zealand, chưa chuyên nghiệp trong cách làm việc với các đối tác quốc tế.
New Zealand cũng là thị trường rất chú trọng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, đây làm một rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra còn các khó khăn về khoảng cách địa lý…
Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để có cơ hội thâm nhập và chinh phục người tiêu dùng New Zealand |
Chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để chinh phục người tiêu dùng New Zealand
Đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cho doanh nghiệp khi muốn hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường New Zealand, Tham tán thương mại Trần Diệu Oanh cho rằng bản thân các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn nhập khẩu, các tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và phát triển bền vững.
Chú trọng minh bạch truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng New Zealand. Như, đầu tư cải thiện công nghệ sản xuất, bảo quản đóng gói hàng hóa để đảm bảo chất lượng, giữ độ tươi ngon. Phối hợp với các đơn vị đánh giá tiêu chuẩn quốc tế để đạt chứng nhận trước khi xuất khẩu.
Tăng cường nghiên cứu về thị trường New Zealand. Nghiên cứu kĩ thị trường, thị hiếu người tiêu dùng New Zealand chuộng nông sản hữu cơ, thực phẩm chế biến tự nhiên, bao bì sinh học, các hàng thân thiện với môi trường….
“Doanh nghiệp New Zealand chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi họ đã có đối tác làm ăn rồi họ sẽ rất chung thủy, có tính lâu dài. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường để thay thế nhà cung cấp cũ thì phải làm được điều khác biệt, cao hơn đó là chất lượng và giá cả. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải học cách xây dựng câu chuyện về thương hiệu để tăng độ nhận diện của sản phẩm ở thị trường New Zealand”, Tham tán thương mại Trần Diệu Oanh khuyến nghị.
Đặc biệt, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, người tiêu dùng New Zealand sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm bền vững. “Doanh nghiệp sản xuất phải chủ động phát triển sản phẩm bền vững và chuyển đổi xanh thì sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường như bao bì sinh học, sản phẩm hữu cơ, sản xuất ít phát thải carbon, minh bạch sản xuất…để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng New Zealand”, bà Trần Diệu Oanh nói.
Ngoài ra, tận dụng lợi thế từ các FTA như CPTPP, RCEP phải chú ý tìm hiểu quy tắc xuất xứ; chủ động tìm hiểu và hợp tác trong các chuỗi cung ứng trong các thành viên đối tác để hưởng ưu đãi thuế quan về cộng gộp nguồn gốc xuất xứ; tăng cường năng lực logistics, tối ưu hóa chi phí vận chuyển
“Thương vụ Việt Nam tại New Zealand sẽ phối hợp với các cơ quan trong nước chặt chẽ, đồng bộ hơn để hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về thị trường có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại New Zealand. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để xúc tiến thương mại, tăng cơ hội đưa hàng Việt Nam vào New Zealand”, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường New Zealand khẳng định.