Thực thi Hiệp định EVFTA: Tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp
Hiệp định EVFTA: Tạo đà phát triển thị trường cho giày dép Việt Nam Hiệp định EVFTA: Tiếp tục thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam-EU |
Hỗ trợ còn dài trải
Tại báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, dù có mức thặng dư thương mại lớn thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 12,6% và 4,3%.
Về phía địa phương, trong số các tỉnh thành có báo cáo số liệu xuất nhập khẩu, có 49/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước EVFTA, tăng 11 tỉnh so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại với các nước EVFTA lớn nhất là TP.Hồ Chí Minh, tiếp theo là Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nội. Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang các nước EVFTA bao gồm nhiều máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, thuỷ sản, dệt may, da giày...
Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang EU nhờ EVFTA vẫn còn hạn chế. Ảnh: TTXVN |
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, so với các hiệp định thương mại khác như CPTPP, UKVFTA, việc tận dụng ưu đãi của EVFTA là khả quan nhất, song vẫn ở mức rất khiêm tốn, mới chỉ đạt 26%. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn. Số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung thấp hơn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn.
Tại Hải Phòng, theo Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, mặc dù đã chủ động triển khai các Hiệp định FTA thế hệ mới nhưng thành phố chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cơ bản trong nước và chưa tận dụng tốt các ưu đãi trong các Hiệp định FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA đã ký kết để cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của thành phố sang các thị trường đã ký các Hiệp định FTA vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng điện tử, máy móc thiết bị, các mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày). Đặc biệt, hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là gia công, chiếm đến trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đều từ các doanh nghiệp FDI, sản xuất và xuất khẩu theo chỉ định của các công ty mẹ, dẫn đến phụ thuộc và không đa dạng hàng hóa, thị trường.
Đề cập đến nguyên nhân khiến cho việc tận dụng EVFTA còn khiêm tốn của các doanh nghiệp địa phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương - bà Nguyễn Thị Lan Phương nêu rằng, các hoạt động hỗ trợ tận dụng EVFTA vẫn được triển khai tại địa phương, nhưng phần lớn chủ yếu thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không dành riêng cho một FTA cụ thể nào. "Điều này dẫn tới hỗ trợ dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực, ngành hàng thế mạnh của từng địa phương. Các hoạt động hỗ trợ cũng không có tính liên tục, kết nối và lâu dài để tạo hiệu ứng, hiệu quả bền vững"- bà Phương nói.
Còn bà Phạm Thị Minh Hoa, Phó trưởng Phòng phòng Quản lý Đầu tư và hợp tác quốc tế, Sở Công Thương TP. Hải Phòng cũng chỉ rõ, tại Hải Phòng vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã được đưa ra ở rất nhiều diễn đàn, hội thảo nhưng nhìn chung, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của sự liên kết vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” hoặc “làm tất ăn cả”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng”- bà Hoa cho hay.
Tăng cường hỗ trợ các nhu cầu của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Lan Phương nhấn mạnh, việc tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA chịu sự tác động của một số yếu tố, cụ thể: Chính phủ, các cấp trung ương; các cơ quan quản lý địa phương và Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Mỗi chủ thể trong quá trình tận dụng FTA đều có những vai trò nhất định. Xét về cấp cơ quan quản lý địa phương, đây là chủ thể đều nhận thức được cơ hội và dư địa tận dụng FTA như EVFTA còn rất lớn.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể hiện thực hoá tư duy định vị vào các thị trường EVFTA, tăng cường giá trị gia tăng hướng tới làm thương hiệu thì việc tăng cường hỗ trợ các nhu cầu của doanh nghiệp tại từng địa phương như nhu cầu đất đai, tín dụng, công nghệ, nhân lực phụ thuộc rất lớn vào chính sách, quy định và chương trình hỗ trợ tại từng địa phương. “Mặt khác, đối với địa phương có định hướng rõ ràng về ngành hàng và thị trường trọng điểm cho các doanh nghiệp trên địa bàn của mình thì chương trình tuyên truyền sẽ sâu hơn, trọng tâm hơn, các chính sách hỗ trợ sẽ cụ thể, việc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn sẽ quyết liệt hơn, kịp thời hơn”- bà Phương nhấn mạnh.
Trước các điểm nghẽn trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA cũng như EVFTA, gia tăng cơ hội và hạn chế những thách thức trong thực hiện cam kết của các FTA thế hệ mới, thời gian tới, Sở Công Thương TP Hải Phòng đã nêu một số giải pháp. Trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập, nhằm nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết.
Bên cạnh đó, để việc thực thi Hiệp định EVFTA đạt kết quả, bà Phạm Thị Minh Hoa cho biết, Sở Công Thương TP Hải Phòng đã có một số đề xuất kiến nghị với Chính phủ, Bộ ngành, Bộ Công Thương, đó là: Tăng cường hỗ trợ địa phương trong công tác tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng đến xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề, cụ thể, sát với thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tham gia Hiệp định EVFTA; hỗ trợ địa phương xây dựng tổ chức hoạt động kết nối, xúc tiến theo từng khu vực từng lĩnh vực, từng ngành hàng, qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, góp phần vào việc hình thành chuỗi cung ứng.