Hệ sinh thái tận dụng FTA là sự sáng tạo, ‘làn gió mới’ trong tận dụng ưu đãi từ các FTA
Quảng Nam: Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực thủy sản Hệ sinh thái tận dụng FTA - giải pháp để xuất khẩu điều thoát 'kiếp gia công', tăng giá trị |
Cần thiết xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA – nhìn từ ngành thủy sản Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam hiện có 7.900 ha nuôi trồng thủy sản, cho sản lượng 25.000 – 27.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 95.000 – 100.000 tấn/năm.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam là một trong những tỉnh trọng điểm về nông nghiệp của cả nước. Hiện toàn tỉnh có 7.900 ha nuôi trồng thủy sản, cho sản lượng 25.000 – 27.000 tấn/năm; bên cạnh đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 95.000 – 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ngành thủy sản của tỉnh còn rất khó khăn, phát triển rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết.
Xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ làm tăng tỷ lệ hưởng lợi từ các FTA cho doanh nghiệp xuất khẩu, tạo đầu ra bền vững cho người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản |
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam viện dẫn, hiện nay, con tôm được xem là đối tượng chủ lực của nghề nuôi thủy sản, thế nhưng ngoài số ít doanh nghiệp có mô hình ứng dụng công nghệ cao thì chủ yếu vẫn là nuôi với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Các hộ dân thiếu liên kết với doanh nghiệp, quá trình nuôi tôm chưa đảm bảo đúng quy trình phòng dịch bệnh và xả thải, nên ảnh hưởng đến môi trường và sản lượng không đạt năng suất. Hàng thủy sản được trao đổi mua bán thông qua người dân, các đơn vị thu mua nhỏ lẻ, gom hàng và bán cho thương lái ở các địa phương lân cận do vậy chưa tạo được nguồn hàng cho hoạt động xuất khẩu ở địa phương.
“Dù sản lượng khai thác, nuôi trồng lớn, còn nhiều dư địa phát triển, tiềm năng cho xuất khẩu rất lớn, nhưng thực tế đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản của tỉnh vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh”, ông Hường Văn Minh nói.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2020 – 2023 kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực thủy sản đạt 88 triệu USD; 8 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 15 triệu USD. Các mặt hàng chủ yếu là bạch tuộc, bánh nướng nhân thuỷ sản đông lạnh, cá các loại, mực, tôm đông lạnh, cá ngừ steak, cá khô tẩm gia vị,... vào thị trường các nước Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan,... Đáng lưu ý, các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; và thị trường xuất khẩu còn “thiếu vắng” những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ. “Đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), hầu như chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp cận dụng được các FTA mà chủ yếu là xuất khẩu qua bên thứ 3”, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam Hường Văn Minh thông tin và nói thêm: “Tỉnh Quảng Nam rất ủng hộ việc xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA. Chúng tôi hy vọng qua Hệ sinh thái, việc đồng hành với doanh nghiệp sẽ được thực hiện tốt hơn bằng việc thuận lợi hóa thủ tục, tiếp cận vốn dễ hơn; người nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái để phát triển bền vững hơn”.
Ông Bạch Hải Ngọc – chuyên gia của Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu |
Hệ sinh thái tận dụng FTA là sự sáng tạo, “làn gió mới” về tận dụng FTA
Theo ông Bạch Hải Ngọc – chuyên gia của Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu, mô hình về hệ sinh thái như mô hình hệ sinh thái tận dụng FTA mà Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) đang xây dựng trên thế giới chưa nhiều. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã những quốc gia xây dựng những ý tưởng, chương trình hành động để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện các điều ước quốc tế, các quy định về thương mại. “Ở góc nhìn của tôi, mô hình Hệ sinh thái tận dụng FTA mà Việt Nam đang xây dựng là mô hình có tính sáng tạo và tính đột phá rất cao. Mô hình này tạo ra được sân chơi, tạo ra cơ chế phối hợp, đưa “làn gió mới” về tận dụng các hiệp định thương mại tại Việt Nam”, ông Bạch Hải Ngọc nhìn nhận và cho rằng, khi tất cả các thành tố có liên quan đến các FTA ngồi lại với nhau để đưa ra những phương án, cơ chế hỗ trợ tốt nhất, thực tiễn nhất cho những người tận dụng, hưởng lợi đó là người nông dân, người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. “Mô hình này có một sự khác biệt nữa đó là có riêng bộ máy vận hành. Tôi cho rằng, nếu bộ máy này được xây dựng phục vụ lợi ích của tất cả các thành tố trong hệ sinh thái và bộ máy này hoạt động hiệu quả theo đúng cam kết, thì sẽ giúp cho doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các FTA, tăng được tỷ lệ tận dụng các FTA tại Việt Nam”, ông Bạch Hải Ngọc nói.
Còn theo ông Hoàng Trọng Thủy – chuyên gia cao cấp về nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như thanh long, cá tra… trước đây chiếm thị phần lớn trên thế giới thì hiện nay ngày càng bị thu nhỏ do sự cạnh tranh rất khốc liệt của các quốc gia có sản phẩm tương tự, lớn nhất là Trung Quốc. Vì vậy, phải tạo ra được môi trường thuận lợi nhất để nông sản xuất khẩu tốt nhất.
Ông Hoàng Trọng Thủy – chuyên gia cao cấp về nông nghiệp |
“Với vai trò là người theo dõi ngành nông nghiệp, tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng đề án hệ sinh thái tận dụng FTA. Đây là sự táo bạo, nếu thành công thì sẽ có sự tác động rất to lớn đối với các ngành khác”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nói. Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, hiện nay, vấn đề liên kết trong ngành thủy sản còn rất ít, rất yếu, vì vậy, nếu xây dựng được Hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, để tận dụng được những ưu đãi từ FTA, và để đối tượng hưởng lợi là người nông dân.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Việt Nam đã tham gia 20 FTA, 16/20 FTA đã có hiệu lực thực thi. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay nhiều ngành nghề chưa tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi của các FTA còn chưa cao, trong đó có lĩnh vực thủy sản. “Việc xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA hướng đến mục tiêu giúp doanh nghiệp tối ưu lợi ích từ các FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp”, ông Ngô Chung Khanh thông tin.