Doanh nghiệp Đức tiếp tục mở rộng đầu tư và cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam
Doanh nghiệp Đức tìm cơ hội đầu tư hệ thống điện Mặt Trời Việt Nam Việt Nam mong muốn nhiều doanh nghiệp Đức đến đầu tư Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa sản xuất và chế tạo |
Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) cũng nhấn mạnh về vai trò then chốt của năng lượng xanh trong phát triển kinh tế Việt Nam và tiếp tục thực thi cam kết trong phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Đầu tư của Đức vào Việt Nam tiếp tục tăng
Mới đây, hai doanh nghiệp Đức là Ziehl-Abegg và Kärcher đã triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Điều này cho thấy giới doanh nghiệp Đức ngày càng gia tăng sự tin tưởng vào thị trường Việt Nam - trung tâm chiến lược mới nổi của chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất công nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Quang cảnh nhà máy mới của Ziehl-Abegg tại tỉnh Đồng Nai (Ảnh: GBA) |
Tháng 6 vừa qua, Ziehl-Abegg - công ty thuộc “top” đầu thế giới về công nghệ thông gió, công nghệ điều khiển và động cơ, đã khánh thành nhà máy sản xuất tại Đồng Nai. Nhà máy có tổng giá trị đầu tư 20 triệu USD của Ziehl-Abegg được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty này, cũng như tận dụng được lực lượng lao động tay nghề cao và điều kiện sản xuất thuận lợi tại Việt Nam. Cơ sở này tập trung sản xuất các sản phẩm về hệ thống thông gió và động cơ điện thế hệ mới, cung cấp cho cả thị trường trong nước và quốc tế.
Ngay sau Ziehl-Abegg, thương hiệu nổi tiếng toàn cầu về thiết bị và công nghệ làm sạch Kärcher cũng đã mở nhà máy mới tại Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án là trên 500 tỉ đồng (tương đương 20 triệu Euro), với 13.500 m² nhà xưởng và 1.600 m² nhà văn phòng. Sự mở rộng đầu tư này là một phần trong chiến lược tổng thể của Kärcher nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm thiết bị, phụ kiện làm sạch tại thị trường châu Á. Động thái này của Kärcher cho thấy, doanh nghiệp mong muốn tận dụng được vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng công nghiệp ngày càng được cải thiện cũng như thị trường tiêu dùng đang phát triển mạnh của Việt Nam.
Bên trong nhà máy Kärcher tại tỉnh Quảng Nam (Ảnh: GBA) |
Việc doanh nghiệp Đức tăng cường hoạt động tại Việt Nam trong thời gian gần đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam còn tồn tại một số thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài, như: Thủ tục hành chính “sau đầu tư”, sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông và logistics và tính minh bạch về khung chính sách ưu đãi.
“Việt Nam đưa tới cho doanh nghiệp Đức nhiều cơ hội hấp dẫn. Thế nhưng để có thể thích ứng tốt với khung quy định pháp lý thì không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi cần đồng hành cùng các cơ quan hữu quan tại địa phương để có thể tiếp tục đơn giản hóa các quy trình thủ tục và tạo ra một môi trường minh bạch hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Alexander Ziehe - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) cho biết.
Xanh hóa vốn đầu tư FDI: Cam kết kiên định từ cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, các giải pháp phát triển năng lượng xanh chính là trọng tâm hoạt động của Hiệp hội trong năm 2024. Theo xu hướng dịch chuyển hành động bền vững đang diễn ra trên toàn cầu, năng lượng xanh ngày càng được coi trọng.
Cam kết gần đây của những thành viên Hiệp hội GBA về “Xanh hóa vốn đầu tư FDI vào TP. Hồ Chí Minh” thêm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư bền vững trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Sáng kiến này nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thân thiện với môi trường vào thành phố và thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào các giải pháp năng lượng xanh, Hiệp hội mong muốn giảm “dấu chân carbon” của Việt Nam cũng như góp phần vào các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Song song đó, các thành viên của Hiệp hội, các doanh nghiệp Đức đang tích cực tham gia vào hoạt động tối ưu hóa sản xuất năng lượng xanh, nâng cao hiệu quả của khu vực FDI, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng và bền vững lâu dài. Những dự án tiềm năng này giúp thay đổi cảnh quan năng lượng của Việt Nam mà Hiệp hội đang hướng tới bao gồm: Năng lượng mặt trời, điện gió và sinh khối. “Cam kết của chúng tôi với phát triển năng lượng xanh là không thay đổi. GBA tin tưởng rằng, các dự án đầu tư bền vững chính là chìa khóa tăng trưởng kinh tế dài hạn và bảo vệ môi trường. Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và quốc tế, chúng tôi mong muốn tạo ra một tương lai xanh và thịnh vượng hơn cho Việt Nam” - ông Alexander Ziehe chia sẻ.
Chủ tịch GBA tại Diễn đàn doanh nghiệp Đức - Việt Nam - Hợp tác vì tăng trưởng xanh TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: GBA) |
Theo GBA, nền kinh tế năng động, lực lượng lao động trẻ và vị trí chiến lược đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để mở rộng đầu tư kinh doanh. Nền kinh tế của Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và tăng trưởng bền bỉ trong những năm gần đây. Mặc dù có những bất ổn kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được nền kinh tế ổn định, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Đức cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực và hỗ trợ liên tục từ nhiều bên.
“Tiềm năng của Việt Nam rất lớn, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần phải điều hướng hoạt động đầu tư kinh doanh vượt qua những thách thức sao cho hiệu quả. GBA luôn cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Đức trong từng bước đi tại Việt Nam, để đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ trong thị trường đầy hứa hẹn này” - ông Alexander Ziehe cho biết thêm.
Chủ tịch GBA cũng nhấn mạnh, Việt Nam có thể tự hào về nguồn lao động dồi dào, được đào tạo tốt với kỹ năng và trình độ cao. Đây cũng chính là điểm mang lại lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành sử dụng nhiều nhân lực. Có thể nói, các sáng kiến hành động, tăng cường quan hệ đối tác gần đây của GBA đều nhằm mục đích hướng cho doanh nghiệp Đức tận dụng được tối đa những thế mạnh này, từ đó tăng cường gắn kết giao thương Đức - Việt. Thông qua tiến trình thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, GBA đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Đức nói riêng, cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế nói chung của cả hai nước.