Sóc Trăng: Tìm thị trường riêng cho sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc
Sóc Trăng là địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP thuộc top đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có nhiều sản phẩm tiêu biểu của đồng bào Khmer, Hoa như: Hành tím Vĩnh Châu, bánh Pía, lạp xưởng, xá bấu chua ngọt, mắm cua gạch, mắm tôm gạch, mắm sò huyết… Nổi bật là sản phẩm gạo ST24 đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và đang được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.
Các sản phẩm OCOP Sóc Trăng mang bản sắc riêng |
Từ nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương, nhiều chủ thể, cơ sở, doanh nghiệp đã tận dụng để sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nhất là ở khu vực có đông đồng bào dân tộc tiểu số sinh sống. Qua đó, tạo được lối đi riêng trên thị trường, vừa mang lại thu nhập ổn định vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, thời gian qua, Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc, giải pháp được lựa chọn là tăng cường tuyên truyền đến bà con tại các địa phương bằng cách: Lắp đặt các pano tuyên truyền Chương trình OCOP; hỗ trợ bà con cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm; tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, giúp sản phẩm OCOP nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, … Trong đó, việc xây dựng các điểm kinh doanh, trung tâm phân phối sản phẩm OCOP được đặc biệt chú trọng. Các của hàng này được hỗ trợ đầu tư về mặt hình thức, lựa chọn địa điểm trưng bày… Sản phẩm bày bán tại đây chủ yếu là sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền.
Đơn cử như tại Trung tâm phân phối sản phẩm OCOP Thiên Lộc (đường Trần Hưng Đạo, thành phố Sóc Trăng) hiện đã trưng bày gần 80 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao như: Gạo ST24, mứt me, mứt mận, rượu cam xoàn... Không chỉ tiêu thụ nhỏ, lẻ theo từng sản phẩm, nhằm hướng đến mục tiêu mang sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, Trung tâm còn đưa sản phẩm OCOP vào giỏ quà với quy cách đóng gói sang trọng và đa dạng các mức giá khác nhau để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Giỏ quà với 100% sản phẩm OCOP đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cùng cách bài trí bắt mắt được xem là một trong những cách thức hiệu quả trong việc thương mại hóa sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh các sản phẩm OCOP đã được công nhận, Trung tâm phân phối Thiên Lộc còn đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc trưng bày, kinh doanh thêm nhiều sản phẩm đặc sản là sản phẩm OCOP tiềm năng của các địa phương khác.
Mở rộng các điểm trưng bày sản phẩm OCOP |
Điểm trưng bày, giới thiệu và cung ứng sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiềm năng huyện Thạnh Trị được khai trương vào cuối năm 2021. Hiện điểm trưng bày khoảng 20 sản phẩm của huyện, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP 4 sao; 3 sao của các cơ sở, hợp tác xã và hộ kinh doanh làm chủ thể như: Gạo Tài Nguyên, khô trâu Sáu Sành, tiêu sạch Vũ Phong, gạo sạch Thanh Cường, bánh pía Tân Phát Đạt, trà đông trùng hạ thảo… Đặc biệt, điểm trưng bày còn giới thiệu hàng chục sản phẩm tiềm năng của huyện là: Rượu đông trùng hạ thảo, trà mãng cầu, mắm bò hoóc ốp… Ngoài ra, huyện còn liên kết, trưng bày, cung cấp sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương khác. Các sản phẩm này được Điểm trưng bày, giới thiệu và cung ứng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng ký nhận với các chủ thể, đảm bảo cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng. Từ khi khai trương đến nay, doanh thu của điểm trưng bày đạt được hàng trăm triệu đồng, trung bình mỗi ngày có hàng chục lượt khách đến tham quan và mua sắm các sản phẩm.
Thời gian qua, Sở Công Thương Sóc Trăng đã phát huy vai trò của mình trong việc giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Bằng chứng là các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện nhằm ổn định, phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhiều chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã được triển khai. Các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa vào tiêu thụ tại các thị trường, kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu.
Sở Công Thương cũng cho ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là kênh bán hàng trực tuyến dành riêng cho sản phẩm đặc thù của địa phương và cũng là cơ hội để các sản phẩm của đồng bào Khmer Nam Bộ có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Bằng hình thức bán hàng "tận ngọn", cơ sở không phải tốn thêm chi phí trung gian nên lợi nhuận thu được cao hơn so với kênh bán hàng truyền thống. Hiện Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng đã được liên kết với các sàn của 11/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên rất thuận tiện cho các đơn vị khi tham gia đưa sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.
Nằm ở cuối nguồn sông Hậu, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Sóc Trăng có hơn 35% số dân là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer. |