Hiệp định EVFTA: Gắn kết phát triển thương mại, thị trường với lao động, việc làm
Thực thi Hiệp định EVFTA: Tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp Thực thi Hiệp định EVFTA: Chủ động giảm thiểu tác động từ phòng vệ thương mại |
Đến nay, việc hiện thực hóa tiềm năng và những cơ hội lớn về mở rộng thị trường nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế và đảm bảo việc thực thi nghiêm túc, hiệu quả những cam kết của mình, trong đó có các cam kết về lao động. Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao đổi vấn đề này với Báo Công Thương.
Việt Nam tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế và đảm bảo việc thực thi nghiêm túc, hiệu quả những cam kết của mình về lao động trong EVFTA. Ảnh: TTXVN |
So với các FTA khác, các cam kết về lao động của Hiệp định EVFTA theo ông có những điểm mới và khác biệt nào?
Như chúng ta thấy, EVFTA là hiệp định kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta mở rộng thị trường với 27 nước thành viên EU. Qua việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, thu hút đầu tư EVFTA còn giúp chúng ta có cơ hội tạo ra nhiều việc làm, với chất lượng cao. EVFTA cũng khuyến khích thực hiện phê chuẩn công ước về điều kiện lao động, tạo điều kiện việc làm cho người lao động; tích cực tham gia công ước của quốc tế.
Tại hiệp định, các quy định về lao động với các nội dung bao trùm nhiều vấn đề, liên quan đến việc tạo việc làm, tạo thu nhập cho người lao động cũng như được đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề tốt hơn. Trong đó, tại Chương 13 của hiệp định còn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc làm bền vững, nâng cao năng suất lao động.
Đồng thời, hiệp định cũng nêu cam kết tạo cơ chế thực thi về lao động, nhất là quan hệ giữa các nước, hỗ trợ chia sẻ thông tin, giải quyết vấn đề tranh chấp. Theo đó, so với các FTA khác, EVFTA đã thể hiện quan điểm, cam kết gắn phát triển thương mại, thị trường với lao động và việc làm.
Bộ Luật Lao động 2019 đã cải thiện cơ bản một số vấn đề liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động, trong đó, nghiêm cấm sự can thiệp của người sử dụng lao động vào hoạt động của tổ chức đại diện lao động. Thưa ông, quy định này đã có ảnh hưởng tích cực như thế nào đến việc thực thi cam kết của Việt Nam?
Trên cơ sở cam kết của hiệp định, đến nay Việt Nam cũng đã thực thi nhiều nội dung về lao động một cách rất nghiêm túc; tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định. Trong đó, Việt Nam đã phê chuẩn 25 công ước, trong 8 công ước cơ bản chúng ta đã phê chuẩn 7 công ước. Đặc biệt, chúng ta là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ năm 1992, nên các quy định về lao động trong EVFTA chúng ta đã tích cực và thể hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm.
Đáng chú ý, Việt Nam tuân thủ các nội dung của nhiều công ước cơ bản, nhất là về việc sử dụng lao động trẻ em; tuyển dụng tuân thủ pháp luật; thực hiện nghiêm túc các quy định trong các công ước cơ bản. Đặc biệt, quá trình thực thi cam kết về lao động được các doanh nghiệp triển khai rất tốt, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may.
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: Cấn Dũng |
Đối với Bộ Luật Lao động 2019, chúng ta đã qua 4, 5 lần sửa đổi, kể cả Luật Công đoàn đã hướng tới tạo điều kiện cho đại diện của người lao động tại cơ sở hoạt động tốt nhất, cũng như đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động. Đặc biệt là tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn và người lao động với người sử dụng lao động thảo luận, đoàn kết, hợp tác chia sẻ để doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, thời gian tới, để thực thi các cam kết lao động trong EVFTA tốt hơn, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến với người lao động ở công đoàn cơ sở về các quy định lao động, việc làm; mặt khác bản thân doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu để thực thi các trách nhiệm về lao động một cách ngiêm túc; ngoài ra cần đánh giá tổng kết các quy định về lao động đã đáp ứng nhu cầu thực tế hay chưa.
Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định EVFTA sẽ bước vào giai đoạn giảm thuế sâu. Vì vậy, để tận dụng tốt những ưu đãi nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên EVFTA, điều này đặt ra thách thức mới như thế nào trong việc thực thi cam kết lao động của Việt Nam, thưa ông?
Theo tôi, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho một chu kỳ mới và sẽ phát triển rất mạnh các lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá, điều này đồng nghĩa mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng thách thức cũng sẽ không ít.
Trong đó, doanh nghiệp sẽ đối diện mạnh mẽ hơn trước sự cạnh tranh giữa các nước trong xuất khẩu hàng hoá; đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất để giảm các chi phí, đáp ứng các nhu cầu của thị trường EU; cũng như đòi hỏi về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu cao của thị trường về chất lượng hàng hoá.
Ngoài ra, Việt Nam phải thúc đẩy dự báo thị trường lao động, việc làm; phải tính đến việc để doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt, hiệu quả nhất về lao động, công đoàn trong hiệp định này, nhất là lĩnh vực có thâm dụng lao động.
Từ việc cam kết giảm thuế sâu của Hiệp định EVFTA, chúng ta phải có giải pháp nhằm thích ứng với các thách thức đặt ra, qua đó tranh thủ để tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại nhằm đầu tư cho chiều sâu sản xuất, nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất; thúc đẩy tái sản xuất của doanh nghiệp.
Như vậy, từ các thách thức đặt ra, việc xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ về tài chính, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cần phải đẩy mạnh ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Trước các thách thức đặt ra, chúng ta phải nhận thức rất rõ để thực hiện tốt hơn hiệp định, đó là cần rà soát đánh giá các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các chính sách liên quan đến lao động, việc làm khác. Mặt khác, cần xây dựng chính sách việc làm bền vững, đầy đủ, tốt hơn với năng suất cao hơn cho người lao động; có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tận dụng cơ hội về thuế của EVFTA, tạo cú huých phát triển mới cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, sử dụng và đào tạo gắn với việc làm, có sự chia sẻ cùng với các cơ sở ngay tại doanh nghiệp, để người lao động luôn đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, phải tăng cường công tác dự báo thị trường, nhất là thị trường hàng hoá, xuất khẩu dựa trên thế mạnh của mình cũng như thị trường về vấn đề lao động, nâng cao năng lực hoạt động cho các trung tâm dịch vụ việc làm để triển khai các hoạt động tư vấn việc làm cho người lao động cũng như cho doanh nghiệp trong vấn đề sử dụng lao động…
Tuy nhiên, để chính sách đi vào vào cuộc sống, thực thi hiệu quả song song đó cần nghiên cứu, đánh giá lĩnh vực nào cần hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án cụ thể để có thể chuyển tải các quy định chính sách và khâu thực thi đạt hiệu quả cao nhất.
Xin cảm ơn ông!