“Dị nhân" cầu mưa: Siêu năng lực hay lợi dụng mạng xã hội tiếp tay cho mê tín dị đoan?
Từ lừa đảo trên mạng đến nỗi lo an toàn dữ liệu Những cụm từ, câu nói viral trên mạng xã hội năm 2023 Từ vụ truy tố nhà báo Hàn Ni: Đừng biến mạng xã hội thành "sọt rác" tâm hồn |
Người đàn ông đang được mạng xã hội lăng xê rần rần như Gia Cát Lượng tái thế này có tên Lê Minh Hoàng, 58 tuổi, hộ khẩu thường trú tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Trong văn bản giới thiệu của một cơ quan, có đóng dấu đỏ hẳn hoi mô tả người đàn ông này có khả năng gọi mưa “hiệu quả”.
Nhưng cũng chính trong văn bản giới thiệu gửi các cơ quan chức năng địa phương về “dị nhân” Lê Minh Hoàng, người ký văn bản cũng thừa nhận chưa có điều kiện kiểm chứng “hiệu quả” trong việc gọi mưa này. Thay vào đó ông Nguyễn Hoàng Điệp (người ký văn bản giới thiệu, hiện là giám đốc một Trung tâm thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đá quả bóng sang phía các cơ quan chức năng địa phương khi viết rằng, hiệu quả tại địa phương thế nào xin được địa phương cho biết.
Tình trạng hạn hán đang xuất hiện tại một số tỉnh phía Nam (Ảnh minh hoạ) |
Việc chưa rõ “hiệu quả” thế nào mà viết đơn giới thiệu như đã nêu trên đây được ông Nguyễn Hoàng Điệp lý giải là rất xót xa, dằn vặt trước nạn hạn hán đang diễn ra gay gắt tại một số địa phương phía Nam. Nhưng xót xa dù đến mấy cũng rất cần luôn tỉnh táo, cân nhắc trước hoàn cảnh để có những hành động thực tế hơn phù hợp hơn chứ không thể có hành động mang tính “vái tứ phương” như công văn giới thiệu này, nếu không muốn nói là tiếp tay cho các hành động nhân danh vì cộng đồng mà thực tế là tiếp tay, “nối giáo” cho các hành vi mê tín dị đoan.
Hơn nữa, chắc ông Lê Minh Hoàng cũng xót xa, dằn vặt về hạn hán như người giới thiệu ông với các cơ quan chức năng tại khu vực hạn hán. Ô hay, nếu có xót xa, có dằn vặt và nếu đúng là có khả năng “hô phong hoán vũ” thì sao ông Hoàng không nhân cơ hội này tự mình đứng ra “trai giới lập đàn cầu mưa” để làm phúc cho người dân tại các nơi bị hạn đang mong mưa từng phút, từng giờ, để bà con bớt được nỗi khổ tốt chừng nào hay chừng ấy. Mà lại phải kéo chính quyền, cơ quan chức năng vào để cùng phối hợp trong một công việc hoàn toàn không có trong chức năng, nhiệm vụ được quy định của họ.
Ở một khía cạnh khác, sự xuất hiện của “dị nhân” có khả năng cầu mưa đang được bàn luân trên mạng xã hội làm phức tạp thêm công tác nỗ lực chống hạn cũng như làm phân tán, xao nhãng các chủ trương, các nỗ lực gồng mình chống hạn hạn cũng như lo nước cho sản xuất, cho sinh hoạt của chính quyền và người dân sở tại.
Phải chăng ở đây người ta đang hành động theo câu nói “Mục đích biện minh cho phương tiện”. Cần chú ý rằng, mục đích, kết quả của hành động và phương tiện để đạt được mục đích, kết quả ấy là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Mục đích, kết quả có thể rất cao cả nhưng phương tiện để mưu cầu cho mục đích ấy rõ ràng cần phải phù hợp với văn hoá, phù hợp và tuân thủ pháp luật có liên quan. Không thể vì mọi mục đích, kết quả mà bất chấp văn hoá, pháp luật trong hành động.
Cũng đừng lạm dụng tín ngưỡng cầu mưa để biện minh cho những suy nghĩ, hành động mang tính hoang tưởng, gây xáo trộn đời sống cũng như ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Những kiến thức về mưa hoàn toàn có thể tìm thấy trong các sách báo tài liệu khí tượng mang tính phổ thông lâu nay, ai cũng có thể tiếp cận, ai cũng có thể hiểu được mà hoàn toàn không phải cần đến sự xuất hiện các “dị nhân” thông qua “tiếp thị” của mạng xã hội!
Không phủ nhận về việc các khả năng đặc biệt của con người từng xuất hiện và vẫn đang được tìm hiểu, nghiên cứu. Nhưng đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.